Một Việt Nam trách nhiệm, hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu!
Chính trị - Ngày đăng : 14:26, 23/01/2025
Từ cam kết đến hành động của Việt Nam
Thời gian qua, Việt Nam luôn chủ động và tích cực tham gia có trách nhiệm, thực chất, hiệu quả các điều ước quốc tế về BĐKH toàn cầu. Đơn cử, Việt Nam sớm tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) năm 1992 và phê chuẩn năm 1994; tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone năm 1994. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 18 điều ước, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực BĐKH. Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP21), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH; đồng thời tuyên bố sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020.
Việt Nam được nhiều lần nhắc đến như một hình mẫu thành công cần được nhân rộng về ứng phó với BĐKH. Nhiều nước khẳng định sẽ hỗ trợ và đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng, qua đó góp phần thúc đẩy nỗ lực tăng trưởng xanh của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt
Năm 2021, tại COP26, Việt Nam đã bày tỏ sự đồng hành mạnh mẽ cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; cùng 103 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải khí methanol toàn cầu; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu. Ngay sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2000 và 2022 gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Phê duyệt Quy hoạch điện VIII…
Đặc biệt, năm 2022, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống BĐKH, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Nhóm các đối tác quốc tế IPG (gồm các nước G7, Liên minh châu Âu, Đan Mạch, Na Uy). Sự kiện này đánh dấu mốc Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 sau Indonesia và Nam Phi ký kết thực hiện JETP. Đáng nói, sau 1 năm thông qua Tuyên bố JETP, tại COP28 (tháng 12/2023), Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP cùng Nhóm IPG. Với việc trở thành quốc gia đầu tiên công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP, Việt Nam đã thể hiện tâm thế sẵn sàng và hành động mạnh mẽ để khơi thông nguồn tài chính từ JETP và chuyển hóa thành các dự án mang tính đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.
Đối với việc thực hiện Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn các chất CFC, Halon, CTC; các chất HCFC được quản lý, loại trừ theo lộ trình giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở và sẽ loại trừ hoàn toàn vào năm 2040. Từ năm 2024, các chất HFC bắt đầu được quản lý và loại trừ theo lộ trình thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal mà Việt Nam phê chuẩn tham gia.
Nhiều đối tác quốc tế đánh giá, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động, thể hiện một quốc gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong thực hiện các thỏa thuận quốc tế về BĐKH.
Huy động tối đa nguồn lực, sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng
Bên cạnh sự chủ động, trách nhiệm, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế để có thể thực hiện thành công các kế hoạch ứng phó với BĐKH trong tương lai. Việt Nam khẳng định, các cam kết quốc tế mới về tài chính khí hậu tại COP28 là cơ hội để Việt Nam dễ dàng tiếp cận các quỹ khí hậu, qua đó thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến ứng phó với BĐKH. Và tại COP29 (năm 2024), Việt Nam lại tiếp tục nhấn mạnh thông điệp: Mức đóng góp tài chính khí hậu cần đạt 1.000 tỷ USD mỗi năm cho giai đoạn từ nay đến năm 2030 để các quốc gia đang phát triển ứng phó với BĐKH và thực hiện chuyển đổi công bằng về kinh tế, xã hội và môi trường.
Theo Tuyên bố JETP, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, IPG sẽ tích cực hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để huy động 7,75 tỷ USD tài chính khu vực công với các điều khoản hấp dẫn hơn các khoản vay Việt Nam có thể huy động trên thị trường vốn hiện tại. Đồng thời, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và IPG để huy động và hỗ trợ huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân, tùy thuộc vào khả năng huy động nguồn tài chính công xúc tác của các quốc gia thành viên IPG.
Trên cơ sở Tuyên bố JETP, Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP của Việt Nam được triển khai với quan điểm huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư tư nhân được xác định có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng; trong khi đó, nguồn lực nhà nước và từ Nhóm IPG sẽ dẫn dắt quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng lượng sạch thay thế; nguồn lực từ GFANZ và các định chế tài chính khác đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp, không thông qua bảo lãnh Chính phủ.
Việt Nam đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các đối tác IPG, GFANZ và các nhà tài trợ khác, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải; đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; bảo đảm công bằng.
Các cam kết và hành động của Việt Nam đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm cao trong ứng phó với BĐKH, mở ra cơ hội chuyển dịch mô hình phát triển theo hướng phát thải thấp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là cơ hội để Việt nam mở rộng hợp tác với nhiều đối tác quốc tế phát triển và các định chế tài chính quốc tế. Một Việt Nam trách nhiệm, quyết tâm và hành động, cùng sự hỗ trợ của quốc tế sẽ thành công trong việc thực hiện các cam kết ứng phó với BĐKH trong tương lai không xa./.