Bảo đảm sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với bảo vệ, phát triển rừng

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 18/01/2025

(BKTO) - Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách bảo đảm sinh kế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với bảo vệ, phát triển rừng ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và kiến nghị, giải pháp”.
140120250105-dsc_4302.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết, Hội thảo nhằm cung cấp thông tin thực trạng chính sách về lâm nghiệp, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, nâng cao thu nhập gắn với công tác bảo vệ, phát triển rừng đối với nhóm các dân tộc thiểu số tại Việt Nam và các phương pháp tiếp cận, giải pháp xây dựng chính sách về lâm nghiệp đã được áp dụng thành công ở Canada và các nước khác.

Đồng thời, giúp nhận diện vấn đề còn tồn tại, khó khăn, thách thức cần tháo gỡ trong chính sách tạo sinh kế từ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp, bền vững trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị các vị đại biểu, các chuyên gia, nhà quản lý cùng tập trung trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tạo sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam; các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới (trong đó có Canada) về chính sách lâm nghiệp và sinh kế đối với các đối tượng yếu thế; các đề xuất, kiến nghị trong chính sách tạo sinh kế, nâng cao thu nhập từ rừng gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương báo cáo bước đầu kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2023.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực lâm nghiệp, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 42,02% cao hơn mức bình quân chung của thế giới (31%); Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 đạt 17,29 tỷ USD.

Việc duy trì, phát triển các hệ sinh thái rừng đóng góp đáng kể vào bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo nguồn thu đáng kể cho chủ rừng và giảm nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn diễn ra tình trạng vi phạm các quy định về lâm nghiệp, việc chặt phá, khai thác rừng, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép, cháy rừng, lấn, chiếm rừng, chống người thi hành công vụ... Công tác giao đất, giao rừng còn nhiều vướng mắc; chưa được bảo đảm kinh phí thực hiện giao rừng, cho thuê rừng.

Hiệu quả kinh tế từ rừng chưa được tối ưu, nhiều tiềm năng của rừng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả như: nuôi trồng cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng;…

Bên cạnh đó, mặc dù đã ban hành nhiều chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, việc triển khai còn rất chậm, nhu cầu đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất lớn.

140120250129-dsc_3833.jpg
Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Trước những bất cập trên, các đại biểu đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung ban hành các chính sách tạo sinh kế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình/đề án phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần thực hiện tốt các chính sách, đối tượng quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024, nhất là chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng cho các cộng đồng dân cư, hộ gia đình dân tộc thiểu số; cần mở rộng hơn đối tượng chính sách đến các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho các hộ được tham gia các mô hình sản xuất hoặc mức hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho các hộ có sinh kế, thu nhập ổn định hơn, tránh nguy cơ tái nghèo.

Cùng với đó, cần ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể chính sách sử dụng đất, rừng để thực hành các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích, hỗ trợ các cộng đồng dân cư phục dựng các lễ hội, luật tục truyền thống tốt đẹp gắn với bảo vệ, phát triển rừng.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu các mô hình tổ chức sản xuất dược liệu dưới tán rừng phù hợp cho nông hộ: như mô hình hợp tác xã lâm nghiệp (trồng rừng, dược liệu…); phát triển các chuỗi giá trị lâm sản bao gồm cả chuỗi giá trị rừng trồng kinh tế, thông qua đẩy mạnh sự liên kết giữa các bên liên quan ở các khâu trong chuỗi giá trị lâm sản từ sản xuất, chế biến và đến thương mại lâm sản…/.

ĐĂNG KHOA - BÍCH NGỌC