Hoàn thiện chính sách tạo sinh kế phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Xã hội - Ngày đăng : 13:36, 22/01/2025

Tiềm năng từ rừng chưa được khai thác hiệu quả
Tại Hội thảo “Chính sách bảo đảm sinh kế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với bảo vệ, phát triển rừng ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và kiến nghị, giải pháp” do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức vừa qua, các đại biểu đánh giá, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách lâm nghiệp nhằm bảo đảm duy trì vốn rừng hiện có, phát triển giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng, góp phần tăng thu cho chủ rừng, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS,MN)
Theo đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt xấp xỉ trung bình khu vực và cao hơn mức bình quân chung của thế giới (31%), tăng từ 27,02% năm 1990 lên 42,02% năm 2023. Trồng rừng tập trung bình quân trên 260 nghìn ha/năm; chăm sóc rừng trồng bình quân 580 nghìn ha/năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng trên 130 nghìn ha/năm; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 953 nghìn ha/năm; hỗ trợ bảo vệ rừng 0,51 triệu ha/năm.
Sản lượng khai thác gỗ khoảng 21 triệu mét khối/năm; gỗ từ rừng trồng, cây phân tán và cây công nghiệp (cao su, điều…) đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và thị trường lâm sản. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân khoảng 16,2 tỷ USD/năm, đặc biệt trong năm 2024 đạt 17,29 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023…
Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra, hiệu quả kinh tế từ rừng chưa được tối ưu, nhiều tiềm năng của rừng chưa được khai thác sử dụng hiệu quả như nuôi trồng cây dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng…

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, năm 2024, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức khảo sát “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS, MN giai đoạn 2019-2023”. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các địa phương mới chỉ triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các chính sách còn lại chưa triển khai được hoặc triển khai nhưng có vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích đất giao cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn hầu hết là đất có rừng tự nhiên; diện tích đất trồng nằm nhỏ lẻ, rải rác, gây khó khăn cho việc triển khai trồng rừng. Các khu vực giao khoán hầu hết nằm ở khu vực xa dân cư, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, việc kết hợp làm du lịch không hiệu quả; định lượng để thực hiện các nội dung như trồng xen lâm sản ngoài gỗ, nuôi trồng thủy sản… chưa được rõ ràng. Một số địa phương có kết hợp trồng dưới tán rừng nhưng không hiệu quả…
Tạo sinh kế gắn với phát triển rừng, làm giàu từ rừng
Làm việc với Đoàn khảo sát, các địa phương đề nghị Chính phủ quan tâm sửa đổi, ban hành các chính sách tạo sinh kế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế vùng DTTS, MN.
Cụ thể là, hướng dẫn cụ thể hơn quy định tại Điều 25, Điều 30, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp theo hướng được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng cho các cộng đồng dân cư, hộ gia đình DTTS; xem xét mở rộng hơn đối tượng chính sách đến các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cho các hộ được tham gia các mô hình sản xuất hoặc mức hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho các hộ có sinh kế, thu nhập ổn định hơn, tránh nguy cơ tái nghèo. Các dự án tạo sinh kế cần mở rộng hơn gắn với phát triển rừng, làm giàu từ rừng.
Các địa phương cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất (bao gồm cả vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận, thụ hưởng chính sách. “Hiện nay do mức hỗ trợ thấp, nếu đăng ký tham gia thì các hộ phải vay mượn thêm, mắc vào nợ nần, trong khi hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định nên các hộ không tham gia và có tâm lý cam chịu nghèo khó” - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phản ánh.
Ngoài ra, các địa phương cũng đề xuất cần ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể chính sách sử dụng đất, rừng để thực hành các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào DTTS; khuyến khích, hỗ trợ các cộng đồng dân cư phục dựng các lễ hội, luật tục truyền thống tốt đẹp gắn với bảo vệ, phát triển rừng.
Là địa phương có diện tích che phủ rừng lớn, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết, kinh nghiệm của tỉnh là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp trên địa bàn; chú trọng phát triển các chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, sản phẩm có thế mạnh của địa phương như quế hữu cơ, măng tre Bát độ, Sơn tra, nguyên liệu gỗ để dần hình thành chuỗi giá trị sản xuất. Thông qua các chuỗi giá trị đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc liên kết sản xuất, liên kết tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra cũng góp phần ổn định sinh kế cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đề xuất, nên xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực trồng, sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp nhằm phát huy hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp./.