Sẽ đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đến chu kỳ 5 năm

Xã hội - Ngày đăng : 16:51, 11/02/2025

(BKTO) - Nhằm nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, năm 2025, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ tiến hành đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đến chu kỳ 5 năm theo Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT.
11.2.jpg
Năm 2025, Bộ GDĐT sẽ thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh: ST

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có 2.224/hơn 6.000 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 37,1% - cao hơn chỉ tiêu 35% vào năm 2025 được đề ra trong Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030. Trong đó, số lượng chương trình đạt kiểm định quốc tế đạt con số khá ấn tượng với hơn 600 chương trình.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành chu kỳ kiểm định thứ nhất, đã và đang trong giai đoạn kiểm định chu kỳ hai. Cả nước hiện có khoảng 600 kiểm định viên, cơ bản đảm bảo đủ số lượng và năng lực để thực hiện kiểm định trên phạm vi toàn quốc, có thể bao quát các lĩnh vực đào tạo, trừ một số ngành, lĩnh vực đặc thù.

Đặc biệt, một số kiểm định viên của Việt Nam đã đạt chuẩn kiểm định viên quốc tế theo các tổ chức như: AUN-QA, ABET, FIBAA, ASIIN... Đây là một bước tiến quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao dần chất lượng, uy tín của kiểm định trong nước.

GS,TS. Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - nhấn mạnh, trong năm 2025, Bộ GDĐT sẽ tập trung hoàn thiện khung đảm bảo chất lượng bên trong, đảm bảo tính đồng bộ từ cấp chương trình đào tạo, khoa, phòng ban đến ban giám hiệu, hội đồng trường.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận trong kiểm định. Thay vì kiểm định riêng biệt cho từng hình thức đào tạo như chính quy, đào tạo từ xa, vừa học vừa làm thì sẽ hướng đến kiểm định một lần cho tất cả các hình thức đào tạo của một chương trình.

Đặc biệt, năm 2025 là lần đầu tiên Bộ GDĐT sẽ tiến hành đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đến chu kỳ 5 năm theo Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định về giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Kết quả đánh giá sẽ được công khai trên hệ thống thông tin của Bộ, giúp xã hội có thể theo dõi và lựa chọn các tổ chức kiểm định có uy tín. Đây cũng là một bước đột phá nhằm nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao năng lực kiểm định viên, mời các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đội ngũ trong nước đạt chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng kiểm định mà còn giúp thay đổi tư duy của những người thực hiện.

Cùng với đó, Bộ hướng tới điều chỉnh cách tiếp cận trong các chu kỳ kiểm định. Chu kỳ 1 có thể tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ, nhưng từ chu kỳ 2, 3 trở đi, trọng tâm sẽ chuyển sang đánh giá thực chất về hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ. Với cách làm này, yêu cầu chất lượng kiểm định viên ở các chu kỳ sau cũng phải được nâng cao.

Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, Bộ GDĐT cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Nhà trường phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của chương trình đào tạo và đội ngũ giảng dạy, còn kiểm định chỉ đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn đã đặt ra, tránh tình trạng hiểu kiểm định là thanh tra, kiểm tra. Nếu sau này cơ quan chức năng phát hiện chương trình không đáp ứng tiêu chuẩn, có thể xem xét việc hủy chứng nhận kiểm định.

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các trường đạt kiểm định chất lượng tốt. Những trường có thành tích xuất sắc có thể được kéo dài chu kỳ kiểm định hơn nhằm tạo động lực và nêu được các thực hành tốt, điển hình cho cho các cơ sở khác.

Ngoài ra, tăng cường vai trò tự chủ của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, để họ có những sáng kiến tốt hơn trong việc đưa ra nhận định, khuyến nghị cho các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng./.

PHƯƠNG LAN