Ba nhiệm vụ trọng tâm để tiến hành tốt Đại hội Đảng bộ các cấp
Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 13/02/2025
![3(1).jpeg](http://files.auditnews.vn/2025/02/12/3(1).jpeg)
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện cần thực chất, hiệu quả
Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cao hơn, chuỗi sự kiện này là một trong những yếu tố then chốt tạo nền tảng chính trị vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng.
Để tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, cấp ủy các cấp cần bám sát nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị “về tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” và Kết luận số 118 KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35 nêu trên. Ngoài ra, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng đến nay đã có 21 văn bản hướng dẫn liên quan đến tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, các đồng chí coi đó là “sách giáo khoa” để tổ chức triển khai thực hiện.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy Đại hội đảng bộ các cấp có vai trò dẫn dắt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ này có 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Thảo luận, thông qua Văn kiện đại hội cấp mình và góp ý với Dự thảo Văn kiện Đại hội cấp trên, Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; lựa chọn nhân sự tham gia cấp uỷ các cấp; hoàn thiện nhân sự trong hệ thống cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương. Những nội dung này được Tổng Bí thư chỉ rõ: "Là vấn đề cốt tử, hệ trọng, liên quan đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; đến việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, biện pháp lãnh đạo; quyết định sức mạnh nội bộ Đảng và hệ thống chính trị; đến toàn bộ hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp trong nhiệm kỳ tới cũng như sức mạnh của toàn dân tộc trong tương lai".
Để tiến hành tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư lưu ý, các cấp ủy cần thống nhất nhận thức là những thành tựu của đất nước đạt được sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt sau 40 năm đổi mới là rất vĩ đại, rất đáng trân trọng, tự hào. Tuy nhiên, đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nỗ lực đoàn kết, quyết tâm hơn nữa để vượt qua. Trong đó, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có trách nhiệm phải tham gia và là lực lượng nòng cốt giải quyết hiệu quả những khó khăn, thách thức này.
Hàng loạt thách thức được Tổng Bí thư nêu ra trong bài viết, như: Điểm nghẽn, rào cản, nút thắt về thể chế tồn tại lâu năm vẫn chưa được tháo gỡ, loại bỏ. Nguy cơ "dậm chân tại chỗ", nguy cơ tụt hậu, nhất là tụt hậu về kinh tế, về khoa học, công nghệ và rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" còn tiềm tàng. Gần đây, thiên tai, bão lũ và nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu, môi trường liên tiếp xảy ra đã để lại những hậu quả nặng nề đối với nhiều địa phương. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được khắc phục triệt để; tình trạng "nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo", "đánh trống bỏ dùi... đều là những "miếng mồi" để các thế lực, phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá.
Tổng Bí thư cho rằng, những nguy cơ, thách thức này đe doạ trực tiếp đến quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Do đó, các cấp ủy cần định vị chính xác “nguy và cơ”, đặt rõ mục tiêu vươn tới để thống nhất cao về quyết tâm chính trị, với những bước đi, hành động đúng, trúng, quyết liệt để giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để điểm nghẽn, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ các cấp cần bám sát tinh thần Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV; tập trung phân tích, đánh giá khách quan việc thực hiện nghị quyết đại hội vừa qua; phản ánh đầy đủ, sát thực tình hình và thực tiễn phát triển của các địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Báo cáo cũng cần phân tích thấu đáo những vấn đề nổi lên, xác định rõ tiềm năng, lợi thế phát triển, với phương châm "tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, đồng hành của doanh nghiệp, trách nhiệm của người dân".
Tổng Bí thư cũng lưu ý báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy không để xảy ra tình trạng sao chép, rập khuôn máy móc hoặc kiểm điểm qua loa, đại khái, hình thức cho có. "Cần thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, mức độ khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém đã được phát hiện, trên tinh thần tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh; không được lợi dụng kiểm điểm để đấu đá nội bộ, tìm cách triệt hạ, làm mất uy tín của cán bộ, đảng viên" - Tổng Bí thư yêu cầu; đồng thời nhấn mạnh: Việc thảo luận, đóng góp ý kiến Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và Văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp cần "thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh góp ý theo kiểu hình thức".
Công tác nhân sự phải được tiến hành chặt chẽ, khoa học
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy đặc biệt chú trọng chuẩn bị nhân sự Đại hội, trong đó ý thức sâu sắc rằng chuẩn bị nhân sự không chỉ cho một kỳ đại hội. Chuẩn bị nhân sự phải xa hơn, là cho tương lai phát triển của tổ chức đảng, sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; rộng hơn, đó là vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Chuẩn bị nhân sự phải kết hợp hài hoà giữa nguồn nhân sự tại chỗ với việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi khác đến. Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp uỷ viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên, tỷ lệ cấp uỷ viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công tác nhân sự của các cấp ủy Đảng "phải được tiến hành bài bản, khoa học, nhân văn"; phải chuẩn bị kỹ càng cả nhân sự cấp uỷ và đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên; "tuyệt đối không lựa chọn cán bộ không được quần chúng nhân dân tín nhiệm, cũng không giới thiệu những cán bộ lãnh đạo dĩ hoà vi quý, tròn vo để lấy phiếu bầu".
Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhân sự tham gia cấp uỷ, các nhân sự được lựa chọn đi dự đại hội cấp trên phải là tinh hoa của Đảng, thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, bản lĩnh, trí tuệ; có tầm nhìn và tư duy chiến lược; có trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới, biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không né tránh, trì trệ, thụ động trước những vấn đề mới phát sinh; mạnh dạn, sáng tạo trong đóng góp ý kiến, để giúp đại hội đề ra được các quyết sách đúng đắn.
Công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán theo hướng dẫn của Trung ương; tránh cách làm giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, cài cắm “quân xanh, quân đỏ” hoặc máy móc, cứng nhắc, xa rời thực tiễn; phải bảo đảm lựa chọn được những người tốt nhất, người xứng đáng nhất, không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đồng thời kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen. “Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề cho nên trong quá trình lựa chọn nhân sự bên cạnh việc phát hiện đúng-trúng thì cố gắng không bỏ sót nhân tài bởi không tìm chọn, sử dụng nhân tài là sự lãng phí về tài nguyên và tiềm năng con người” - Tổng Bí thư lưu ý./.