Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương: Khắc chế những khó khăn, thách thức

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:27, 13/02/2025

(BKTO) - Năm 2024, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực IV đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách (BCQTNS) của 4/4 địa phương được phân công. Báo cáo kiểm toán đã được gửi tới các địa phương kịp thời phục vụ phiên họp hội đồng nhân dân (HĐND) xem xét, phê chuẩn ngân sách địa phương. Kết quả kiểm toán cũng là căn cứ pháp lý quan trọng, tin cậy, cung cấp nhiều thông tin giá trị để HĐND các tỉnh, thành phố quyết định, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh trước khi HĐND khai mạc kỳ họp cuối năm.
4-.jpg

Nhiệm vụ kiểm toán BCQTNS địa phương do KTNN các khu vực thực hiện năm 2024 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Ảnh: H.THÀNH

6 thách thức trong kiểm toán BCQTNS địa phương

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV, nhiệm vụ kiểm toán báo quyết toán ngân sách (BCQTNS) địa phương do KTNN các khu vực thực hiện năm 2024 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo kịp thời phục vụ phiên họp của HĐND cấp tỉnh. Chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng lên do Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành tập trung nhân lực và thời gian ban hành hướng dẫn cụ thể, đổi mới phương pháp tiếp cận, tăng cường kiểm toán tổng hợp gửi kết quả kiểm toán trước khi báo cáo kiểm toán phát hành đối với các tỉnh tổ chức họp HĐND sớm.

Qua thực tiễn tổ chức thực hiện kiểm toán, KTNN khu vực IV nhận thấy việc kiểm toán BCQTNS địa phương cũng gặp những thách thức.

Một là, việc kiểm toán BCQTNS địa phương đã tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán do Ủy ban nhân dân tỉnh lập với phạm vi, nội dung và giới hạn kiểm toán chỉ kiểm toán tổng hợp tại 5 cơ quan quản lý tài chính cấp tỉnh gồm sở tài chính, cục thuế, hải quan, sở kế hoạch và đầu tư, kho bạc nhà nước. Mục tiêu của cuộc kiểm toán là xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQTNS. Về giới hạn kiểm toán, không đánh giá công tác quản lý, điều hành, không kiểm toán công tác quản lý tài sản công của các địa phương; không kiểm toán báo cáo quyết toán của cấp huyện, xã, các đơn vị dự toán, ban quản lý dự án, các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương tổng hợp quyết toán của một cấp ngân sách gồm cả tỉnh, huyện, xã. Việc kiểm toán phải tiếp cận từ khâu lập dự toán, giao dự toán thường xuyên và kế hoạch vốn đầu tư. Các mục tiêu và nội dung kiểm toán trên chỉ có thể hoàn thành khi kiểm toán đồng thời cả các cơ quan tổng hợp tại các cấp tỉnh và cấp huyện.

Hai là, công tác tổng hợp báo cáo quyết toán của 3 cấp ngân sách được triển khai với rất nhiều đơn vị thực hiện với môi trường kiểm soát khác nhau, rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cũng khác nhau dẫn tới việc thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát, đánh giá rủi ro, chọn mẫu kiểm toán cũng gặp nhiều thách thức. BCQTNS địa phương được kiểm tra, thẩm định bởi các cơ quan tài chính các cấp ngân sách. Do vậy, tiềm ẩn các rủi ro về chênh lệch số liệu quyết toán giữa các cơ quan thực hiện kiểm tra.

Ba là, theo Chuẩn mực KTNN 1700 - Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán trong kiểm toán tài chính, việc xác nhận báo cáo tài chính thông qua việc hình thành ý kiến kiểm toán phải căn cứ vào các khuôn khổ quy định về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể và các sai sót trọng yếu. Do đó, nếu tuân thủ Chuẩn mực KTNN 1700 thì việc xác nhận báo cáo quyết toán chi ngân sách địa phương sẽ phải ngoại trừ một số khoản mục nhất định.

Bốn là, việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý ngân sách như phần mềm TABMIS để phục vụ công tác kiểm toán chưa được nhiều.

Năm là, tại thời điểm kiểm toán BCQTNS địa phương, hầu hết các BCQTNS cấp huyện, xã đã được HĐND cấp huyện, xã phê chuẩn khi phát hiện sai sót về các khoản thu kết dư chuyển nguồn của ngân sách cấp huyện, xã sau thời điểm BCQTNS cấp huyện được HĐND phê chuẩn. Vì vậy, việc thống nhất về cách thức xử lý sai sót cũng là thách thức không nhỏ.

Sáu là, thời hạn Ủy ban nhân dân tỉnh nộp BCQTNS địa phương chậm nhất vào ngày 01/10 năm sau. Do vậy, các KTNN khu vực thường thực hiện kiểm toán trong thời điểm đầu tháng 10 hằng năm. Do vậy, mọi nguồn lực đều tập trung vào thời điểm này cũng là khó khăn trong tổ chức thực hiện kiểm toán.

4 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán

Từ những khó khăn, thách thức nêu trên trong thực tiễn hoạt động kiểm toán BCQTNS địa phương, KTNN khu vực IV đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thứ nhất, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn kiểm toán BCQTNS địa phương cho đội ngũ kiểm toán viên ở các khu vực. Vì Hướng dẫn kiểm toán BCQTNS địa phương của KTNN đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể về từng nội dung kiểm toán tại các cơ quan quản lý tài chính, trong đó chỉ rõ các tài liệu cần thu thập, cách thức thực hiện thu thập bằng chứng kiểm toán và các sai sót thường gặp, từ đó nghiên cứu để giảm các khoản mục cần ngoại trừ khi KTNN đưa ra ý kiến xác nhận báo cáo quyết toán chi ngân sách địa phương, từ đó nâng cao giá trị và độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán BCQTNS địa phương.

Thứ hai, KTNN cần tổ chức tập huấn và hướng dẫn việc khai thác, sử dụng phần mềm TABMIS phục vụ công tác kiểm toán được hiệu quả hơn, đồng thời xây dựng các phần mềm hỗ trợ kiểm toán và phân tích thông tin, dữ liệu BCQTNS nhà nước để nâng cao hơn nữa độ tin cậy và hiệu quả hoạt động kiểm toán BCQTNS địa phương.

Thứ ba, khi tổ chức khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán tổng thể, bố trí các thành viên chủ chốt nâng cao trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán để nắm bắt thông tin, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ, đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, từ đó lựa chọn nội dung đơn vị kiểm tra, đối chiếu được chính xác, đồng thời lựa chọn phương án, phương pháp kiểm toán phù hợp, sáng tạo để làm rõ các nội dung kiểm toán có tính chất quan trọng có rủi ro cao, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.

Thứ tư, trước khi triển khai các cuộc kiểm toán cần tổ chức tập huấn, trao đổi cụ thể về kế hoạch và các nội dung trọng yếu, phương pháp và phạm vi kiểm toán, thống nhất hướng xử lý đối với một số vấn đề phát hiện chung mang tính căn bản như điều chỉnh các số liệu, chỉ tiêu trong báo cáo quyết toán như nộp trả ngân sách trung ương, bổ sung có mục tiêu còn kết dư, hết nhiệm vụ chi, kết dư ngân sách, hạch toán các khoản thu, chi ngân sách sau thời gian chỉnh lý./.

VIẾT CHUNG