Thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán gắn với trọng tâm là phòng ngừa tham nhũng, lãng phí
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:01, 15/02/2025

Đây là một trong những nội dung trọng tâm được đề cập trong Chỉ thị số 106/CT-KTNN của Tổng Kiểm toán nhà nước ngày 13/2/2025 về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2025.
Chỉ thị nêu rõ, năm 2025 là cột mốc quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN đến 2030, năm tổ chức Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây cũng là thời điểm toàn hệ thống chính trị đẩy mạnh công cuộc tinh gọn bộ máy, tạo tiền đề vững chắc để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2025 với phương châm “An toàn - Uy tín”, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung trọng tâm như sau:
Bám sát Chỉ thị số 1096-CT/BTV ngày 03/01/2025 của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN; Phương án tổ chức kiểm toán năm 2025; Hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2025 và các Đề cương hướng dẫn kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.
Trong đó, chú ý ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán NSNN, các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán, nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán và các kết luận, kiến nghị kiểm toán góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, tiền tệ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1671/CT-KTNN ngày 01/10/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN; đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN, công tác quản lý, sử dụng tài sản công của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế, chính sách có liên quan để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí tiền, tài sản Nhà nước từ cơ chế, chính sách; tập trung kiểm toán các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công... những vấn đề cấp bách, bức xúc, xã hội và dư luận quan tâm.
Tập trung làm tốt công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán từ khâu chuẩn bị kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến khâu lập và phát hành Báo cáo kiểm toán.
Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán (100% các Đoàn kiểm toán được kiểm soát chất lượng, trong đó tổ chức kiểm soát đột xuất 20% số cuộc kiểm toán được giao năm 2025), kết hợp linh hoạt việc kiểm soát qua hồ sơ với kiểm soát trực tiếp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.
Các Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán tuân thủ đầy đủ quy định của Luật KTNN, Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán.
Thực hiện nghiêm Phương án tổ chức kiểm toán, danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt;
Các đơn vị kiểm toán và đơn vị có liên quan tiếp tục nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình kiểm toán.
Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ những yêu cầu về phát hành Báo cáo kiểm toán; công khai kết quả kiểm toán; kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị và trả lời kiến nghị kiểm toán.
Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, quản lý hoạt động kiểm toán; cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về hoạt động kiểm toán để cung cấp thông tin cho lãnh đạo KTNN phục vụ công tác quản lý, điều hành. Tăng cường trao đổi thông tin giữa KTNN với đơn vị được kiểm toán qua Cổng trao đổi thông tin của KTNN theo quy định tại Quyết định số 299/QĐ-KTNN ngày 24/3/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Tổ chức đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Quyết định số 1934/QĐ-KTNN ngày 17/11/2021, được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 1540/QĐ-KTNN ngày 13/12/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Các KTNN chuyên ngành, khu vực tổng hợp kết quả kiểm toán nổi bật (đặc biệt là kết quả, kiến nghị kiểm toán về cơ chế, chính sách) của đơn vị trong năm 2025 báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo KTNN phụ trách, đồng thời gửi Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp trước ngày 15/01/2026.