Khắc phục bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với tổ chức khoa học và công nghệ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:00, 27/10/2016

(BKTO) - Sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới và giao quyền tự chủcho tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ (Nghịđịnh 115), nhiều tổ chức KH&CN đã chuyển đổi thành công. Tuy nhiên, việc chuyểnđổi, thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN vẫn bộc lộ nhiều bấtcập. Thực trạng này được KTNN chỉ ra trong Báo cáo kết quả kiểm toán Chuyên đềvề công tác quản lý và sử dụng kinh phí NSNN đầu tư cho hoạt động KH&CN năm2014.


Đã có đổi mới nhưng còn nhiều bất cập

Dẫn báo cáo của Bộ KH&CN, KTNN cho biết: Trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập, có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%), còn lại 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ. Bên cạnh đó, từ góc nhìn kiểm toán, KTNN nhận định Quỹ phát triển KH&CN quốc gia đã có nhiều tác động tích cực đến mục tiêu đổi mới cơ chế tài chính, trong đó có việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cá nhân và tổ chức KH&CN. Một số Bộ, ngành, địa phương đã thành lập được Quỹ phát triển KH&CN theo lộ trình và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác điều hành và quản lý tài chính phù hợp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, quá trình kiện toàn, sắp xếp tổ chức KH&CN theo Nghị định 115 và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115 (Nghị định 96) của các bộ, ngành, địa phương còn rất chậm. Đến hết năm 2015, nhiều đơn vị trực thuộc các bộ, ngành vẫn chưa thực hiện các nghị định này. Điển hình là Bộ Quốc phòng chưa có lộ trình chuyển đổi các tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ; Bộ GD&ĐT còn 19 tổ chức KH&CN chưa được phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động; Viện Hàn lâm KH&CN còn 8 đơn vị chưa được phê duyệt loại hình hoạt động tự chủ tài chính. Một số địa phương như Bắc Giang, Đồng Tháp, Ninh Bình, Phú Thọ… chưa hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức KH&CN theo quy định.

Một số địa phương chưa hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức KH&CN theo quy định.Ảnh: TS
Đồng thời, tại một số địa phương còn tình trạng chưa thực hiện giao quyền tự chủ hoặc chưa giao quyền tự chủ cho tất cả các đơn vị trực thuộc. Thậm chí, có địa phương được giao quyền tự chủ nhưng vẫn thực hiện hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp khoa học công lập. 14/31 địa phương được kiểm toán chưa thành lập được Quỹ phát triển KH&CN do vướng mắc về cơ chế chính sách, chưa đủ nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật và nguồn vốn để đảm bảo công tác vận hành của Quỹ.

Còn tại Bộ KH&CN, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị, cơ quan quản lý các chương trình, dự án KH&CN còn chồng chéo, chưa thực hiện theo đúng đề án thành lập. Bộ KH&CN có 5 văn phòng quản lý các chương trình, dự án là các đơn vị dự toán cấp III, đều có chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động các chương trình KH&CN. Đối với các đơn vị được thành lập sau thời điểm ban hành Nghị định 115, Bộ KH&CN chưa đôn đốc kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị để làm căn cứ giao kinh phí thường xuyên quỹ lương và hoạt động bộ máy, cũng như đảm bảo tính khách quan, công bằng về quyền tự chủ giữa các đơn vị và giảm gánh nặng đối với NSNN. Ngoài ra, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới KH&CN và một số đơn vị khác quản lý các chương trình, dự án chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp. “Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được kiện toàn và củng cố, dẫn đến bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí cho NSNN”- Báo cáo kiểm toán nêu rõ.

Gỡ khó trong thực hiện cơ chế tự chủ

Nguyên nhân của thực trạng trên là do Thông tư liên tịch 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25/8/2014 chưa thống nhất với các văn bản liên quan nên gây khó khăn trong việc hướng dẫn thực hiện đối với các tổ chức KH&CN công lập. Thêm nữa, quy định tổ chức KH&CN không được phép dùng quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng và liên doanh, liên kết thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng làm giảm khả năng hoạt động và phát triển của tổ chức KH&CN.

Mặt khác, do điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong ứng dụng và chuyển giao, chưa phát triển được thị trường công nghệ. Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, tổ chức dịch vụ KH&CN chưa mang lại hiệu quả cao khiến tổ chức KH&CN công lập không có đủ nguồn thu đảm bảo tiền lương và thu nhập ổn định cho cán bộ, dẫn đến chậm trễ hoặc không muốn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.

Để khắc phục những bất cập trên, KTNN kiến nghị Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Bộ theo hướng tăng cường, củng cố các đơn vị tham mưu giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN, giảm bớt các tổ chức KH&CN và các văn phòng quản lý các chương trình KH&CN thuộc Bộ. UBND cấp tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các tổ chức KH&CN của địa phương theo hướng phát triển các tổ chức dịch vụ và DN KH&CN. Đối với những địa phương chưa thành lập Quỹ phát triển KH&CN, cần sớm thành lập và tổ chức bộ máy điều hành hoạt động Quỹ để thực hiện đầu tư cho KH&CN thông qua quỹ phát triển KH&CN bằng các hình thức khác nhau (tài trợ, cho vay, cấp phát kinh phí, bảo lãnh vốn vay). KTNN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện dứt điểm việc rà soát, sắp xếp chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các tổ chức KH&CN và chấm dứt việc hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức KH&CN không thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định 115 và Nghị định 96.

Nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong thực hiện tự chủ tài chính của các tổ chức KH&CN, ngày 14/6/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập (thay thế Nghị định số 115 và Điều 1 Nghị định 96). Theo đó, tổ chức KH&CN công lập được phân loại theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư. Nghị định còn quy định rõ cơ chế tự chủ về tài chính của các tổ chức KH&CN công lập và các tổ chức KH&CN công lập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… theo quy định hiện hành.

ĐỨC THÀNH