Hoàn thiện khung pháp lý để tăng chi cho khoa học công nghệ
Kinh tế - Ngày đăng : 17:30, 17/02/2025

Khoảng 2% tổng chi ngân sách cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, việc bố trí ngân sách nhà nước để chi cho phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được lồng ghép từ nhiều nguồn khác nhau. Tổng chi cho lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, năm 2021 đạt 1,37%, năm 2022 đạt 1,72%, năm 2023 đạt 1,39%, năm 2024 đạt 1,97% và dự kiến 2025 đạt 2%.
Việc chi ngân sách nhà nước cho KHCN được quy định ở nhiều luật, như: Luật KHCN, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Hơn nữa, các quy định khác về chi cho KHCN cũng có những điểm chưa thống nhất dẫn đến khó khăn cho quá trình bố trí, phân bổ nguồn vốn cũng như thanh toán, quyết toán các đề án, dự án.
Một điểm nữa được Bộ Tài chính chỉ ra là, kinh phí bố trí thường xuyên cho KHCN thường không phân bổ hết vào thời điểm tổng hợp dự toán cũng như thực hiện trong năm. Thời điểm tổng hợp dự toán có nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định nên số tổng hợp đề xuất phân bổ đầu năm đều thấp hơn số dành cho lĩnh vực này. Việc trình phân bổ trong năm chậm dẫn đến không thực hiện hết được dự toán đã được Quốc hội phân bổ.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành đã quy định về thực hiện các nhiệm vụ KHCN thông qua Quỹ KHCN. Tuy nhiên, hiện nay vẫn duy trì mô hình các văn phòng Chương trình KHCN quốc gia và Quỹ Phát triển KHCN quốc gia cùng thực hiện chức năng cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia. Nguồn hình thành Quỹ KHCN chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với Luật KHCN và Luật Ngân sách nhà nước.
Năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KHCN giai đoạn 2020-2022 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị về cơ chế, chính sách cũng như kiến nghị xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho KHCN.
Năm 2025, KTNN sẽ triển khai cuộc kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2023-2024 tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57). Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 (Nghị quyết 03).
Theo đó, một trong những chỉ tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 là chi tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đơn vị được giao chủ trì theo dõi, đánh giá mục tiêu này là Bộ Tài chính.
Thực hiện các nhiệm vụ nói trên, Bộ Tài chính đã xây dựng chương trình hành động, giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc. Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 201/QĐ-BTC ban hành Chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai Nghị quyết 57 và Nghị quyết 03.
Kế hoạch nêu rõ 9 nhiệm vụ do Bộ Tài chính chủ trì theo chức năng quản lý về tài chính - ngân sách nhà nước và giao cụ thể cho các vụ, cục chuyên môn phụ trách trực tiếp.
Các nhiệm vụ đó là: Sửa đổi một số quy định trong Luật Ngân sách nhà nước để có quy định riêng cho phù hợp với đặc thù và thông lệ quốc tế trong lập dự toán, quyết toán, tài trợ và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
Rà soát để sửa đổi một số quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực;
Thu hút cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nghiên cứu chính sách không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập và hoạt động không vì lợi nhuận.
Trước hết, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó chú trọng xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Khoa học công nghệ theo hướng quy định rõ Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí đủ ngân sách nhà nước cho KHCN và đổi mới sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các Bộ, ngành liên quan, địa phương xây dựng phương án phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và thanh, quyết toán để giải quyết ngay những điểm nghẽn về cơ chế chính sách đối với lĩnh vực này - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Sửa đổi Nghị định số 79/2021/NĐ-CP, Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng giảm tỷ lệ vay lại xuống mức thấp nhất, không yêu cầu bảo đảm tiền vay đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nền tảng số có quy mô quốc gia, vùng và được sử dụng chung cho nhiều cơ quan, tổ chức;
Bảo đảm nguồn lực phục vụ di chuyển hệ thống công nghệ thông tin từ các Bộ, ngành, địa phương lên Trung tâm dữ liệu quốc gia; sửa đổi hoặc ban hành thay thế Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; hoàn thành việc triển khai các nhiệm vụ phục vụ chuyển đổi số, bảo đảm kết nối với Đề án 06.
Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ...
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị được giao chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết gửi Vụ Pháp chế; báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện gửi Vụ Pháp chế định kỳ 6 tháng, trước ngày 10/6 và trước ngày 20/11 hằng năm để tổng hợp, trình Bộ thực hiện báo cáo Chính phủ đối với các đề án/báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương./.