Gỡ điểm nghẽn để thị trường bất động sản đi vào “đường ray” phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 19:39, 20/02/2025

Doanh nghiệp địa ốc vẫn gặp những “lực cản” trong phát triển dự án
Thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, nằm trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước cơ hội bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo các chuyên gia, chu kỳ mới mở ra, thị trường BĐS nói chung và các doanh nghiệp địa ốc nói riêng đang đứng trước không ít cơ hội để phục hồi nhanh hơn và phát triển bền vững.
Chia sẻ tại Diễn đàn BĐS Mùa Xuân thường niên lần thứ V, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, với việc 3 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở có hiệu lực sớm cùng nhiều văn bản hướng dẫn với những điểm mới, các nút thắt của thể chế đang từng bước được tháo gỡ một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây là những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp địa ốc phục hồi và có những bước tăng trưởng mới. Tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực và quyết tâm lớn của các doanh nghiệp, song hành với việc thực thi các giải pháp nhằm gỡ vướng về mặt thủ tục và tiến độ dự án, khơi thông nguồn cung cho thị trường từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư BĐS toàn cầu (GP.Invest) nhận định, thị trường BĐS sẽ có cơ hội phát triển lớn trong giai đoạn 2025-2026 nếu các rào cản, vướng mắc liên quan đến việc tính giá đất, quy hoạch trong phát triển dự án tại các địa phương được tháo gỡ; đồng thời, các chính sách kích thích đầu tư tư nhân được thực hiện, bởi phát triển thị trường BĐS chủ yếu là từ doanh nghiệp tư nhân.
Lãnh đạo GP.Invest cũng nhấn mạnh, dù đã từng bước được cải thiện, song vẫn tồn tại những vướng mắc nhất định trong các quy định pháp luật và đây cũng vẫn là nỗi lo của các doanh nghiệp BĐS.
“Hiện nay, gần như không có dự án nào không phải điều chỉnh quy hoạch, kéo lùi tiến độ triển khai. Cùng với đó, yếu tố đầu vào để tính giá đất không đầy đủ đã khiến giá đất trong bảng giá đất lên cao. Ngoài ra, sự lúng túng, chậm trễ trong việc tính giá đất cho doanh nghiệp vẫn tiếp diễn do bất cập trong khâu tư vấn định giá đất. Chưa kể, chi phí đầu tư của doanh nghiệp cũng chưa được tính đúng, tính đủ, khiến doanh nghiệp càng khó khăn trong xoay xở dòng tiền” - ông Hiệp nói.
Nói thêm về câu chuyện chi phí, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhìn nhận, chi phí về đất đai đang tạo ra rào cản lớn cho thị trường BĐS để có thể phát triển bền vững. Giá sản phẩm BĐS, trong đó có nhà ở không thể rẻ khi chi phí đầu vào quá cao…

Doanh nghiệp bất động sản cần sẵn sàng một tâm thế mới
Trong bối cảnh trên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới, bên cạnh những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường từ phía cơ quan quản lý nhà nước, tự thân các doanh nghiệp BĐS cũng cần nỗ lực tối đa trong việc đầu tư và phát triển dự án.
Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, quan tâm kiểm soát rủi ro dòng tiền, nợ đáo hạn; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, đặc biệt là các chương trình phát triển nhà ở xã hội, đầu tư chính sách hạ tầng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ…
Về nguồn vốn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, không nên quá phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng, thay vào đó doanh nghiệp nên tìm kiếm dòng vốn thông qua các kênh trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư BĐS... Đồng thời, cần tìm kiếm giải pháp đưa giá BĐS về mức hợp lý hơn để đảm bảo tính thanh khoản cho sản phẩm.
Chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng là một trong những hướng đi mà các doanh nghiệp BĐS Việt Nam cần quan tâm và nghiên cứu tham khảo, bởi đây đang là xu hướng phát triển trên thế giới. Cùng với đó, cần thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp; chuẩn hóa hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định tại các bộ luật mới.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ, với những cơ hội đã, đang được nhận diện và hình thái của chu kỳ mới đã trở nên rõ ràng hơn, trên thực tế, các doanh nghiệp BĐS đang có một tâm thế mới.
“Với một tâm thế phấn khởi hơn, phần lớn các doanh nghiệp hiện đang chuẩn bị kỹ lưỡng những kế hoạch đầu tư, kinh doanh BĐS trong thời gian tới. Dù cơ hội đan xen thách thức, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng với sự quan tâm của Chính phủ và những định hướng mới, thị trường BĐS sẽ hồi phục, phát triển bền vững và đóng góp tích cực hơn trong việc hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số của nền kinh tế trong thời gian tới” - ông Hiệp bày tỏ.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt và liên tục có những chỉ đạo về công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết tiếp tục đồng hành cùng các địa phương và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản ánh để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong thực tế triển khai, để khơi thông nguồn cung cho thị trường BĐS.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm, Luật Đất đai 2024 đã có nhiều tháo gỡ cho việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp BĐS. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến định giá đất thông qua các nghị định và thông tư, trong đó có Nghị định 71/2024/NĐ-CP và Nghị định 102/2024/NĐ-CP nhằm giải quyết tình trạng chậm tính giá đất do vướng mắc từ những năm trước, tháo gỡ khó khăn và góp phần thúc đẩy tiến độ của các dự án./.
Trong khuôn khổ Diễn đàn BĐS Mùa Xuân thường niên lần thứ V đã diễn ra Lễ Vinh danh thương hiệu BĐS dẫn đầu năm 2024-2025. Tại đây đã tôn vinh Top 10 thương hiệu, sản phẩm dẫn đầu thị trường BĐS năm 2024-2025; Top 5 nhà tư vấn và phát triển kinh doanh BĐS tốt nhất năm 2024; Top 10 nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam năm 2024; Top 10 nhà phát triển BĐS triển vọng nhất năm 2025.