Mạnh tay xử lý dự án “treo”
Kinh tế - Ngày đăng : 10:28, 21/02/2025

Thưa ông, tình trạng nhiều dự án treo nhiều năm đang tồn tại khá phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước là một trong những vấn đề gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?
Có thể thấy, trong những năm qua trên địa bàn cả nước có hàng nghìn dự án được phê duyệt đầu tư, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng đã và đang mang lại rất nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít dự án đang nằm bất động, mà chúng ta còn gọi là dự án “treo”, tồn tại tới 1 - 2 thập kỷ, thậm chí lâu hơn tại nhiều địa phương, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… là thực tế rất đáng quan ngại.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án “treo” có rất nhiều, trước hết có yếu tố từ công tác quản lý. Cơ quan chức năng quản lý khá chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng còn có sự thiếu kiểm soát nhất định ở khâu sử dụng đất và thiếu giám sát, kiểm tra tiến độ các dự án. Chính vì vậy, rất nhiều mảnh đất “vàng” muốn quy hoạch phát triển đồng bộ nhưng lại để hoang hoá mà không được xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều dự án bị treo, chậm triển khai còn liên quan đến năng lực của chủ đầu tư. Theo đó, nhiều chủ đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn đầy đủ, dài hạn, khiến việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bị “đứt gánh” giữa chừng, rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Thậm chí, trên thực tế còn có tình trạng nhà đầu tư không có năng lực nhưng vẫn tìm mọi cách để đề xuất dự án đầu tư để được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, với mục đích “ôm” đất, giữ đất chờ tăng giá thêm để chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác nhằm hưởng giá trị đất đai tăng thêm này.
Về mặt khách quan, trong hệ thống pháp luật vẫn còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa nhiều quy định, chính sách, gây vướng mắc cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án; hay quy hoạch của khu vực có sự thay đổi, điều chỉnh nên dự án cũng bị ảnh hưởng… Ngoài ra, nhiều dự án chậm triển khai, bị treo còn do gặp phải những vướng mắc về mặt pháp lý như khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, giải quyết các tranh chấp pháp lý…
Vậy hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội từ thực trạng tồn tại số lượng lớn dự án “treo” là gì, thưa ông?
Hệ lụy nhãn tiền dễ nhận thấy nhất đó là những dự án “treo” đang gây ra một sự lãng phí rất lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai. Nguồn quỹ đất đai giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án nếu được triển khai hiệu quả, đưa vào sử dụng sẽ tạo ra nguồn cung nhà ở, tạo ra những công trình mang lại lợi ích cho đất nước, cho xã hội và toàn dân. Thế nhưng, những dự án treo tới cả 10 năm, 20 năm thì cũng đồng nghĩa hiệu suất sử dụng đất gần như bằng 0, tức là đất đai không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế. Nhà nước cũng thất thu ngân sách, không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này. Cùng với đó, có thể thấy, hiện nay ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi ngày càng hạn hẹp, trong khi đó diện tích đất hoang hoá từ các dự án treo lên đến hàng chục nghìn héc-ta, đã và đang làm hạn chế việc khai thác, sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội. “Bộ mặt” đô thị nơi có dự án treo cũng trở nên nhếch nhác…
Ngoài hệ lụy về khía cạnh kinh tế, tình trạng dự án treo còn có tác động xã hội khá mạnh khác, đó chính là ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách của Nhà nước. Tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân bị thu hồi đất phản ứng mạnh mẽ, thậm chí ở mức cao hơn, nhiều người dân bị thu hồi đất đã làm đơn khiếu kiện đòi lại đất cũ, vì việc thu hồi đất không đúng với những gì chính quyền đã nói về dự án đầu tư cần đất của người dân…
Với những hệ lụy tiêu cực như trên, theo ông cần có những giải pháp như thế nào nhằm hạn chế, ngăn ngừa tình trạng dự án “treo”, để nguồn lực đất đai phục vụ cho sự phát triển của địa phương, đất nước?
Luật Đất đai 2024 quy định, các trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong quyết định đầu tư, sẽ bị thu hồi. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ, chủ đầu tư được gia hạn không quá 24 tháng và phải nộp bổ sung cho Nhà nước khoản tiền tương ứng. Hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất. Những quy định mới được bổ sung này buộc các chủ đầu tư phải tính toán thật kỹ trước khi bắt tay vào thực hiện dự án và phải nỗ lực hoàn thành dự án. Đây cũng sẽ là chế tài rất mạnh đối với doanh nghiệp có những dự án bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai. Do đó, các cơ quan chức năng cần thực thi nghiêm quy định này, như vậy tự khắc sẽ hạn chế được tình trạng tồn tại các dự án “treo” bền vững qua nhiều năm.
Nhìn về trung, dài hạn, để giải quyết căn cơ tình trạng này, tôi cho rằng giải pháp phù hợp nhất là xử lý bằng công cụ thuế, áp dụng đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án treo và mức thuế sẽ tăng luỹ tiến theo thời gian dự án bị treo. Giải pháp này cũng theo đúng tinh thần mà Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đã xác định rõ, đó là hướng đến quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang… Nếu thực hiện biện pháp này, bản thân các chủ đầu tư khi không “gánh” nổi việc nộp thuế nữa thì sẽ phải tự tìm giải pháp giải quyết các dự án treo của mình. Đồng thời, Nhà nước lại không bị thất thu ngân sách từ các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất, từ đó góp phần tăng thêm nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.