Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 10:00, 24/02/2025

(BKTO) - Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính (TTTC) tại Việt Nam (Nghị quyết).
1.jpeg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Chúng ta xây dựng Dự thảo Nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát". Ảnh: CP

Huy động hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính cho phát triển kinh tế-xã hội

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm và chỉ đạo của Đảng về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có TTTC nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế phát triển; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam trên quan điểm bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kết luận của Bộ Chính trị về việc xây dựng TTTC tại Việt Nam; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt và liên tục của Nhà nước.

Nghị quyết của Quốc hội quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách phát triển TTTC và giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể. Các chính sách áp dụng cho TTTC phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hoà với cam kết quốc tế; bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững; cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết, đặc biệt là vị thế, uy tín và an ninh tài chính quốc gia.

Phát triển TTTC tại khu vực có ranh giới xác định và áp dụng các chính sách đặc thù trong khu vực TTTC, đối tượng tham gia được xác định theo tiêu chí rõ ràng, với chính sách ưu đãi vượt trội để cho phép Việt Nam: Thử nghiệm có kiểm soát các chính sách đặc thù nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu; phân quyền, phân cấp cho cơ quan quản lý TTTC và cải cách thủ tục hành chính tối đa có thể; tập trung quản lý, giám sát dựa trên rủi ro; đánh giá tác động đối với các chính sách phát triển TTTC phù hợp với điều kiện trong nước theo từng giai đoạn để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.

Đồng thời bảo đảm cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; cần dự báo và có thể phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và đi kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp để tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, gắn lợi ích kinh tế các đối tác, các nước lớn; qua đó góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh "phi truyền thống"; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết quy định về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam và các chính sách đặc thù áp dụng tại TTTC. Nghị quyết này áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thành lập và hoạt động của TTTC.

Về nguyên tắc, chính sách thành lập và hoạt động của TTTC, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại TTTC.

Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích lựa chọn, thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển TTTC. Các giao dịch, hoạt động tại TTTC được thực hiện bằng tiếng Anh, hoặc bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Các cơ quan quản lý TTTC được tổ chức tinh gọn, có thẩm quyền phù hợp, hiệu lực, hiệu quả; được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt, đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân theo quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các quy định tại của Nghị quyết này khác với các quy định của luật, nghị quyết, pháp lệnh khác thì thực hiện theo quy định tại của Nghị quyết này, trừ trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau Nghị quyết.

2.jpeg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: CP

Phải làm rõ nội hàm của từng nhóm chính sách đang dự kiến xây dựng

Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của TTTC tại Việt Nam, cũng như hoan nghênh, các bộ, ngành chức năng và các địa phương liên quan đã nỗ lực, phối hợp hiệu quả trong xây dựng dự thảo Nghị quyết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết được xây dựng nhằm hình thành cơ sở pháp lý giải quyết 3 vấn đề lớn, đó là: Tạo lập các quy định về tổ chức bộ máy; quy định về chính sách cho TTTC, nhất là quy định về xuất nhập cảnh, lao động, chính sách tiền tệ, thuế; xây dựng quy định của Nhà nước về quản lý các trung tâm, cụ thể là trách nhiệm quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng là như thế nào và trách nhiệm của các thành phố có các TTTC là như thế nào.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, đây là vấn đề mới, vì vậy Nghị quyết tập trung quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, chính sách khung, nhưng cũng cần phải cụ thể nhất có thể, còn các nội dung quy định chi tiết thì các bộ, ngành hữu quan cần tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phát triển các TTTC khu vực và quốc tế để tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định riêng và các văn bản dưới nghị định để quy định chi tết, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các yêu cầu đặt ra về phát triển các TTTC.

"Chúng ta xây dựng dự thảo Nghị quyết này là xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhưng phải có kiểm soát. Phải làm rõ được nội hàm của từng nhóm chính sách mà chúng ta đang dự kiến xây dựng. Phải có đánh giá cụ thể những tác động của chính sách trong đối với nền kinh tế" - Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Về thời gian trình Quốc hội, việc xây dựng và trình Dự thảo Nghị quyết được thực hiện theo quy trình tại 1 kỳ họp, dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2025.

Hai thành phố thụ hưởng là TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cần tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng cho sự vận hành của các các TTTC.

Trên tinh thần tiếp tục tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế cũng như những ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để chúng ta "có một dự thảo Nghị quyết hoàn hảo nhất có thể", trình Quốc hội theo đúng yêu cầu về thời gian đặt ra./.

HỒNG NHUNG