Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Phòng ngừa tham nhũng từ khu vực kinh tế tư nhân
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:00, 27/10/2016
(BKTO) - Với việc nới rộng phạmvi điều chỉnh sang khối kinh tế tư nhân, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) doThanh tra Chính phủ (TTCP) xây dựng đang vấp phải nhiềuý kiến trái chiều từ phía cộng đồng DN. Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông NgôVăn Khánh - Phó Tổng TTCP để làm rõ hơn về vấn đề này.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn KhánhẢnh: PV
Vừa qua, TTCP đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005. Qua 10 năm thi hành, Luật đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với trên 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng và trên 400ha đất; trên 4.670 tỷ đồng và hơn 219ha đất đã được thu hồi; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp... Tuy nhiên, những kết quả xử lý trên vẫn chưa đạt được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân được xác định là do Luật hiện hành không còn phù hợp và cần được sửa đổi kịp thời.
Căn cứ vào kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, đánh giá thực trạng tham nhũng và trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lần sửa đổi này đã đưa ra một số nhóm giải pháp mới nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN. Cụ thể như: Quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với DN, tổ chức kinh tế khu vực ngoài nhà nước; quy định về việc báo cáo, công khai báo cáo về công tác PCTN trong cơ quan nhà nước và báo cáo đánh giá, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Dự thảo đưa ra các quy định về kiểm soát giao dịch, chi tiêu thông qua việc bắt buộc thực hiện thanh toán qua tài khoản đối với các khoản thu, chi có giá trị. Ngoài ra, dự thảo cũng có những quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện tham nhũng thông qua việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát...
Việc đưa khối kinh tế tư nhân vào phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ giới DN. Quan điểm của TTCP về vấn đề này ra sao, thưa ông?
Nhiều khảo sát, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa DN với khu vực nhà nước mà giữa các DN với nhau cũng xảy ra hiện tượng này. Trong nội bộ DN ngoài nhà nước, cũng xảy ra hiện tượng một số người nắm giữ quyền hạn trong việc quản lý tiền và tài sản của DN đã lợi dụng quyền hạn được giao chiếm đoạt tài sản đó; hay sự thiếu minh bạch và lành mạnh trong hoạt động của các ngân hàng, các loại quỹ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân... đã gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước là một yêu cầu khách quan, phù hợp với chính sách xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của Luật, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh này sẽ được thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần, đối với khu vực tư, dự thảo luật chỉ quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc, còn lại, những quy định cụ thể sẽ do các tổ chức, DN quy định cho phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị.
Cụ thể, đối với DN, tổ chức kinh tế, quy định áp dụng bắt buộc một số chế định như: DN phải thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của mình. Nhóm chủ thể này tự tổ chức việc thực hiện các giải pháp trên và đưa ra các hình thức xử lý phù hợp khi có vi phạm, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về PCTN theo thẩm quyền. Việc lành mạnh hóa nhóm chủ thể này có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, phù hợp với định hướng đổi mới kinh tế ở nước ta hiện nay.
Việc loại bỏ những quy định chồng chéo với các luật chuyên ngành khác cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong PCTN sẽ được thể hiện ra sao trong dự thảo luật này, thưa ông?
Tổ soạn thảo hiện vẫn đang trong quá trình làm việc với các Bộ, ngành liên quan để rà soát những quy định đang chồng chéo trong Luật PCTN hiện hành với các luật chuyên ngành khác. Bước đầu, dự thảo luật cũng đã loại bỏ, sửa đổi những quy định còn bất cập, như quy định về việc công khai trong mua sắm công và xây dựng cơ bản so với Luật Đấu thầu; quy định DN nhà nước phải công khai, minh bạch về vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào DN, vốn và tài sản của DN đầu tư vào công ty con so với Luật Doanh nghiệp…
Hiện nay, việc tồn tại nhiều cơ quan tham gia vào công tác PCTN tạo thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, nhưng đồng thời cũng có bất cập là sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế và khó xác định trách nhiệm cụ thể. Do đó, dự thảo luật này sẽ định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, phù hợp với các luật chuyên ngành nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác PCTN. Ví dụ, trong dự thảo luật, KTNN được xác định là cơ quan có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng; cơ quan Kiểm sát có chức năng kiểm sát, giám sát hành vi tham nhũng khi có các vụ án được khởi tố...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)