Những cuộc hành trình không mỏi
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 13:40, 02/02/2016
(BKTO) - Cái Cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồngtiếng khóc nỉ non/ Mình về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng…Thuở thiếu thời, những câu ca dao khiến tôi luôn mường tượng về mảnh đất Cao Bằngnhư một xứ sở nước non huyền bí, xa xăm nào đó và ấp ủ dự định sẽ đến một lần.Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, theo chân những Kiểm toán viên KTNNchuyên ngành V thực hiện khảo sát, thu thập thông tin Chương trình phát triểnđô thị quốc gia cho khu vực vùng núi phía bắc, tôi đã được đến với Cao Bằng.
Xa xôi mấy cũng phải đến tận nơi
Từ Hà Nội, men theo Quốc lộ 3 qua Thái Nguyên đến đất Bắc Kạn, chúng tôi bắt đầu xa xẩm mặt mày với những đoạn đường cua tay áo, dốc núi của những Đèo Giàng, Đèo Gió, Đèo Ngân Sơn, Đèo Cao Bắc được mệnh danh là những “con đèo tử thần”. Lên đèo là sương mù phủ kín. Cách hai ba chục mét là rặt một màu trắng mờ ảo. Chiếc xe cứ ì ạch “bò” lên giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên vực sâu hun hút giữa biển mây mù trắng xóa. Những cung bậc cảm xúc cứ theo nhau ùa về, có lúc sợ hãi đến nín thở trước sự hiểm trở, có lúc cảm giác lạc lõng, trống vắng giữa ngút ngàn rừng núi, mây trời, nhiều khi lại thấy thật bình yên, ấm áp với bản làng lúp xúp bên đồi cùng nồi ngô luộc tỏa khói nghi ngút…
Một bức tranh đẹp nhưng đầy thử thách như khúc dạo đầu cho chuyến công tác ở vùng núi cao biên giới Tổ quốc.
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới đông bắc Tổ quốc với dân số hơn 52 vạn người thì có tới 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển. Chính vì vậy, Chương trình phát triển đô thị quốc gia dựa trên kết quả cho khu vực vùng núi phía Bắc do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp 7 tỉnh khó khăn vùng núi phía bắc (Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái) có cơ hội cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, điều kiện vệ sinh môi trường mà còn nâng cao mức sống cho người dân nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xác định địa bàn rộng, đi lại khó khăn nên Đoàn khảo sát của KTNN chuyên ngành V lần này được chia làm 3 tổ, mỗi tổ thực hiện khảo sát tại 2 tỉnh, riêng tổ mà tôi được theo chân được giao thực hiện tại 3 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Kạn và Hòa Bình.
Tranh thủ phút nghỉ ngơi bên ấm trà nóng trước khi đổ đèo, anh Đặng Trọng Sơn -Tổ trưởng Tổ khảo sát cho tôi biết: “Trong 3 giai đoạn của chương trình kiểm toán (giai đoạn khảo sát lập Kế hoạch, giai đoạn thực hiện kiểm toán và giai đoạn lập Báo cáo kiểm toán) thì giai đoạn khảo sát, lập Kế hoạch giữ vai trò rất quan trọng. Nếu mình chỉ căn cứ số liệu họ báo cáo mà không kiểm tra chi tiết dễ dẫn tới việc bố trí nhân lực chỗ thừa chỗ thiếu rồi thông tin cung cấp không chuẩn… đến khi triển khai thực hiện kiểm toán rất dễ bị “vỡ” kế hoạch. Vì vậy, đối với khâu khảo sát, lập Kế hoạch dù địa bàn xa xôi đến mấy, KTV cũng phải đến tận nơi, kiểm tra, hướng dẫn họ hoàn thiện từng hồ sơ và gặp hết các chủ đầu tư của dự án từ cấp Bộ, ngành đến tỉnh, huyện thậm chí nếu chủ đầu tư phân cấp xuống cấp xã Đoàn khảo sát cũng đều phải đến. Có định lượng trong khâu khảo sát, lập Kế hoạch từ đó mới có cơ sở để sắp xếp, bố trí nhân lực hợp lý cũng như có những đánh giá rủi ro, trọng yếu xác thực hơn”.
Ngót 9 tiếng đồng hồ chạy xe, chúng tôi cũng đến thành phố Cao Bằng. Dù ai cũng thấm mệt nhưng xác định khối lượng công việc nhiều nên anh em động viên nhau vào “guồng” luôn. Trong buổi làm việc với Ban quản lý dự án Chương trình đô thị miền núi phía bắc thành phố Cao Bằng, ông Dương Hữu Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án, cho chúng tôi biết: Giai đoạn 1 của Chương trình, thành phố Cao Bằng đã triển khai 3 dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở LIA 4 (đường vào khu thu nhập thấp), cải tạo đường Phai Khắt - Nà Ngần, nâng cấp đường tỉnh 203. Những dự án này góp phần cải thiện đời sống, điều kiện vệ sinh môi trường cho người có thu nhập thấp, rút ngắn khoảng cách giữa nội thị và ngoại thị thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cao Bằng.
Tổ khảo sátthực địa tại dự án
Sau khi nghe báo cáo tại Ban quản lý, Tổ khảo sát xuống kiểm tra thực địa tại dự án cải tạo đường Phai Khắt - Nà Ngần. Đây là tuyến đường qua khu vực đông dân cư. Trước đây, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống thoát nước không đồng bộ, mỗi khi mưa là nước tràn cả vào nhà các hộ dân bên đường nhưng sau khi triển khai cải tạo, mặt đường được nâng cấp, hệ thống điện, thoát nước đã đồng bộ, không còn tình trạng ngập úng, đặc biệt dự án đã thiết kế được 2 bên vỉa hè lát gạch rộng rãi thuận tiện cho người dân đi lại. Ông Hùng phấn khởi cho biết: “Chưa nói đến hiệu quả về mặt kinh tế, chỉ tính riêng hiệu quả về mặt xã hội, dự án đã mang lại những lợi ích thiết thực đối với bà con nơi đây”. Điều này cũng lý giải tại sao, hơn 1.000 hộ dân ở mặt đường Phai Khắt - Nà Ngần đã tự nguyện hiến đất để triển khai dự án. Sự đồng tình, ủng hộ và tham gia thực hiện dự án của nhân dân không chỉ giúp Nhà nước tiết kiệm được kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng mà còn giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm đối với quản lý và sử dụng công trình sau này.Trăn trở nghề kiểm toán
Tại các cuộc giao ban hàng tháng hay hội thảo của ngành, lãnh đạo KTNN đã nhiều lần yêu cầu các đơn vị phải chú trọng công tác khảo sát, lập Kế hoạch kiểm toán bởi đây là bước đầu quan trọng trong hoạt động kiểm toán, ảnh hưởng trực tiếp đến các bước thực hiện kiểm toán cũng như chất lượng của cuộc kiểm toán. Thấm nhuần chỉ đạo ấy, trong chuyến đi thực địa lần này, nhiệm vụ mà Đoàn khảo sát KTNN chuyên ngành V đặt ra là làm sao kiểm tra, rà soát để có được đầy đủ, chính xác những thông tin, số liệu khảo sát cần thiết trong điều kiện số liệu, báo cáo của địa phương còn chưa bài bản, thiếu khoa học; mặt khác phải tư vấn cho địa phương hoàn thiện lại những số liệu, báo cáo đó cho chuẩn xác, đồng thời vẫn phải bảo đảm tiến độ công việc theo đúng kế hoạch đã đề ra. Anh Hoàng Xuân Thành - thành viên Tổ khảo sát chia sẻ: “Do các Ban quản lý dự án của Chương trình này hầu như đều mới thành lập nên cách làm của họ vẫn chưa bài bản. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng chưa quen cách làm thanh toán theo kết quả thực hiện của nhà tài trợ WB nên việc thu thập thông tin cũng như việc tư vấn cho họ cách cập nhập số liệu, cung cấp thông tin phải phù hợp với quản lý ngân sách của WB cũng như của Việt Nam mất nhiều thời gian. Tư vấn tại đơn vị cho họ, ngoài giờ mình vẫn phải trao đổi qua điện thoại, mail liên tục cho đến khi hoàn thiện tất cả mới được coi là xong việc”.
Nhịp độ làm việc của các kiểm toán viên luôn căng thẳng, bận rộn. Thế nhưng, sau mỗi ngày làm việc tất bật, bên bữa cơm ấm cúng, thân tình ở miền sơn cước, những câu chuyện đời, chuyện nghề của các anh lại nở rộ, lúc rộn ràng, lúc đậm đà sâu lắng. Các anh kể cho tôi nghe những câu chuyện vui về nghề như khi thực hiện kiểm toán Thủy điện Sơn La, nhiều hồ sơ của dự án đã lưu giữ gần 20 năm, giấy ố vàng, ẩm mốc; đến sớm cả nửa tiếng mở hết cửa phòng ra mà mùi ẩm mốc vẫn bốc lên khó chịu. Anh em nói vui: “Kiểu này chắc phải đeo khẩu trang làm kiểm toán!”. Rồi những chuyến công tác đầy kỷ niệm như kiểm toán Dự án đường dây 500 KV, kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Nhiều kiểm toán viên mới ngoài đôi mươi nhưng đã đi khắp mọi miền đất nước với bao trải nghiệm thú vị về nghề. Nhưng bên cạnh những niềm vui, vẫn còn nhiều trăn trở. Tổ trưởng Sơn tâm sự: “Cuộc đời kiểm toán viên là những chuyến đi dài. Làm nghề này mà không có lòng yêu nghề cùng sự ủng hộ, thấu hiểu của gia đình thì khó có thể làm được. Chưa nói đến việc ít có thời gian để cùng vợ dạy bảo con cái; đơn giản là những khi cái vòi nước, cái bóng điện hỏng cần đến đôi bàn tay của người đàn ông, mình cũng không ở nhà để giúp vợ được. Vợ con, gia đình cũng nhiều cái thiệt thòi nhưng được cái may mắn là người thân cũng thấu hiểu và vẫn ủng hộ chúng tôi theo đuổi nghề kiểm toán”. Đã nhiều lần theo chân Đoàn kiểm toán nên tôi hiểu rằng, trăn trở đó không chỉ là của riêng anh mà còn là tâm tư của nhiều kiểm toán viên nhà nước.
Vì nhiều lý do, tôi phải quay về Hà Nội sớm hơn dự định. Tạm biệt Cao Bằng, chia tay Tổ khảo sát trong khi các anh vẫn còn tất bật chuẩn bị cho những hành trình kế tiếp. Tết đã đến gần. Sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận đã phủ khắp núi rừng. Đất trời thay áo mới để chuẩn bị đón xuân sang. Vậy mà, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ khảo sát, lập Kế hoạch kiểm toán để chuẩn bị cho những đợt “ra quân” trong năm mới, các kiểm toán viên KTNN chuyên ngành V vẫn mải miết với những cuộc hành trình không mỏi đến với Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang… - những vùng cao xa xôi của Tổ quốc.
TRỊNH NGUYỄN