40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019): Giữ toàn vẹn lãnh thổ
Đối nội - Ngày đăng : 18:25, 15/02/2019
(BKTO) - “Hàng nghìn người lính đã ngã xuống và biết bao người đã bỏ lại xương máu của mình dọc biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1989. Ngẫm cái giá cho hòa bình thật quá lớn, song thế hệ chiến sĩ thời kỳ này đã không hổ thẹn với tiền nhân trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc”. Đó là khẳng định của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Mã Lương khi nói về cuộc chiến đấu 40 năm trước.
Chủ động đối phó
- Thưa Thiếu tướng Lê Mã Lương, ông đánh giá thế nào về sự chủ động của toàn quân và dân ta cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1989?
- Ngay sau chiến trường phía Nam và biên giới Tây Nam, tôi tiếp tục có mặt chiến đấu 8 năm tại biên giới phía Bắc và có được nhiều kỷ niệm. Ngay từ cuối năm 1976, Bộ Chính trị đã chủ động, sáng suốt khi nhận định không lâu nữa sẽ có một cuộc đụng độ xảy ra ở biên giới phía Bắc mà chúng ta khó tránh khỏi. Cuối năm 1978, nắm chắc tình hình đối phương sẽ đánh chúng ta, tinh thần sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị lên rất cao. Ở Quảng Ninh, Sư đoàn 395 phối hợp với nhân dân địa phương làm hầm, đào giao thông hào, chủ động chiếm lĩnh các điểm cao. Trung đoàn 288 ở khu vực Cao Ba Lanh, Trung đoàn 41 ở khu vực Bình Liêu, sau này có thêm Sư đoàn 328 ở tuyến 2 lên, phối hợp tạo sự vững chắc cho thế trận chiến tranh nhân dân.
“Tôi cho rằng quân dân ta từ đầu đến cuối cuộc chiến đấu đã thể hiện lòng tự tôn cao độ và một tâm thế hiểu sâu sắc nhiệm vụ. Tiền tuyến và hậu phương phối hợp vững vàng; sự hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị chiến đấu và nhân dân địa phương khá nhịp nhàng. Sự chia lửa từ Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng, ý chí sắt đá của Trung ương và vai trò của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn đã đem đến chiến thắng vẻ vang, chặn đứng ý đồ của đối phương âm mưu tiến sâu vào lãnh thổ nước ta”. Thiếu tướng Lê Mã Lương |
Như vậy, từ Quảng Ninh đến Lai Châu, các đơn vị chủ động giăng trên tuyến dài gần 1.000km dọc biên giới, chiều sâu đảm nhiệm lên tới 10km - 15km, có nơi tới 30km. Bên cạnh đó, một lực lượng đáng kể thanh niên Hà Nội cũng tổ chức thực hiện tầng tầng lớp lớp giao thông hào tại sông Cầu, tạo thành phòng tuyến dày đặc từ Hà Nội lên Bắc Ninh, Bắc Giang, chặn đường tiến của đối phương từ Lạng Sơn về.
Thời gian này, chúng tôi quán triệt tinh thần của Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn, đó là: “Thời gian rất ngắn thôi, đối phương có thể sử dụng từ 1 - 2 triệu quân đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc”. Chúng tôi nhận định, với số quân lớn của đối phương trong một không gian hẹp sẽ tạo cho ta những thay đổi lớn, phải linh hoạt trong đối phó. Đúng như dự kiến, rạng sáng 17.2.1979, pháo binh đối phương khai hỏa bắn phá các mục tiêu trên toàn tuyến 6 tỉnh biên giới thuộc lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi không nghĩ có ngày đạn pháo đối phương bắn sang trận địa ta với mật độ dày như vậy, xối xả không ngừng nghỉ từ sáng sớm tới chiều tối. Các đơn vị đã chiến đấu kiên cường, khiến đối phương từ chỗ dừng binh đến rút quân về bên kia biên giới chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, các cuộc xung đột còn kéo dài 10 năm sau đó, gây nhiều khó khăn cho nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tinh thần tự tôn dân tộc
- Xét về tương quan lực lượng, đối phương đã huy động một số lượng quân gấp 10 lần chúng ta, kể cả phương tiện chiến đấu, tiến hành với quy mô, chiến thuật và phương thức bài bản, trong khi chúng ta chỉ có lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân 6 tỉnh biên giới. Chắc hẳn ông đã chứng kiến sự ác liệt chưa từng có cũng như tinh thần quả cảm của quân và dân ta trên các chiến trường?
- Những ngày đầu, chúng ta bị tổn thất khá lớn. Đã có những đơn vị bỏ trận địa; có những đơn vị hy sinh hàng trăm chiến sĩ. Tuy nhiên, theo tôi ở góc độ nào đó chúng ta không bị bất ngờ. Sau những thương vong ban đầu, các chiến sĩ đã thể hiện lòng tự tôn cao độ, làm chủ bản thân, làm chủ đơn vị, thực hiện các cuộc phản công quyết liệt, dồn đối phương vào thế bị động, phá vỡ chiến thuật biển người khiến chúng không thực hiện được ý đồ tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.
Ngay tại Quảng Ninh, những cuộc chiến đấu giằng co trên các điểm cao như Cao Ba Lanh, Bình Liêu, Đầm Hà… ngăn quân địch bởi những trận đánh quyết liệt của Sư đoàn 395 có sự phối hợp của Sư đoàn 327… Hướng Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, lực lượng vũ trang địa phương đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc; các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng. Khi đối phương chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, lực lượng vũ trang của chúng ta đã chiến đấu, chặn đứng quân thù ở đây 20 ngày… Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 2 quân đoàn chủ lực Việt Nam cũng trở về bảo vệ biên giới…
- Là người trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu 40 năm trước, ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới thế hệ hôm nay?
- Chiến tranh đã lùi xa, nhắc lại chuyện xưa khá đau lòng. Nhưng đã qua rồi những năm tháng ấy, không chỉ tôi mà nhiều người có chung suy nghĩ cũng cần gác lại quá khứ. Chúng ta nay đã ở tâm thế khác. Cần xem xét sâu hơn vấn đề quan hệ với các nước, trong đó có cả các nước chung biên giới là quan hệ hợp tác và đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền; vì hòa bình và tình hữu nghị, chúng ta luôn luôn phải thể hiện tinh thần và ý thức tự tôn dân tộc, luôn tỉnh táo để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước, góp phần vào hòa bình khu vực và thế giới.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Theo daibieunhandan.vn