Kiểm toán Nhà nước ngày càng có uy tín với quốc tế và tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và Nhân dân(*)
Đối nội - Ngày đăng : 10:05, 07/02/2019
(BKTO) - Tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã vinh dự được đón Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Báo Kiểm toán trân trọng giới thiệu bài lược ghi ý kiến phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 - Ảnh: N.Lộc
Bày tỏ vui mừng trước những kết quả của KTNN đã đạt được trong năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, năm 2018, KTNN đã bám sát các nghị quyết, các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đánh giá, xác nhận đúng đắn, trung thực, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.
Với sự nỗ lực bảo đảm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, KTNN đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc Quốc hội đã dựa vào các kết quả kiểm toán để xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, các kế hoạch tài chính, đầu tư công ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, với con số kiến nghị về xử lý tài chính trong năm 2018 của KTNN là 89.600 tỷ đồng, riêng kiến nghị về tăng thu, giảm chi NSNN là 44.466 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, KTNN đã góp phần tích cực vào việc quản lý hiệu quả ngân sách, tài sản nhà nước và việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Cùng với kiến nghị xử lý tài chính, việc kiến nghị hoàn thiện pháp luật về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 115 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn, là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, năm 2018, KTNN đã chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cung cấp 146 báo cáo kiểm toán, hồ sơ, tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và đã gửi nhiều báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đoàn giám sát của Quốc hội...
Hoạt động kiểm toán đã đi sâu vào việc đánh giá các vấn đề vĩ mô, đã bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, những vấn đề mà xã hội quan tâm; đã tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách để qua đó kịp thời kiến nghị khắc phục, hoàn thiện, chống thất thoát, lãng phí. Chủ động kiến nghị hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng đất đai; việc quản lý và thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng vốn ODA; nhất là trong công tác cổ phần hóa, việc thoái vốn tại các DNNN, việc đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng...
Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng khẳng định, KTNN đã phục vụ ngày càng tốt hơn công tác quản lý, điều hành NSNN, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tài chính các cơ quan nhà nước, các đơn vị vũ trang, các đơn vị sự nghiệp công lập và cả đất đai, tài nguyên, khoáng sản và các tài sản khác do Nhà nước nắm giữ, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, KTNN cũng đã chủ động hội nhập sâu rộng với các nước và các tổ chức đa phương, trong đó đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, cơ quan kiểm toán có uy tín trên thế giới và đã tổ chức rất thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội trong tháng 9/2018 và đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, đây là điểm nhấn quan trọng của KTNN trong hoạt động hợp tác quốc tế.
Với những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, KTNN đã ngày càng có uy tín với quốc tế và tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân. KTNN đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò của mình, giúp cho Quốc hội, Chính phủ nắm được tình hình kịp thời, sát thực tế để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong hoạt động lập pháp và hành pháp.
Nhấn mạnh năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, KTNN cần phải phát huy những thành quả đã đạt được, nhưng phải gắn với tình hình thực tế, nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019 cũng như cả nhiệm kỳ.
Kiểm toán Nhà nước cần chủ động, sáng tạo, kiên quyết hơn trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Một là, phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt và thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của KTNN, đảm bảo hoạt động đúng định hướng, xác định đúng mục tiêu, trọng tâm kiểm toán nhằm cung cấp thông tin xác thực, kịp thời; chủ động phối hợp và kịp thời cung cấp các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Hai là, khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật KTNN theo Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng đoàn Quốc hội và Nghị quyết số 613/2018/UBTVQH14 ngày 13/12/2018 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN một cách đầy đủ, hiệu quả, có chất lượng, trong đó chú trọng đến việc sửa đổi, bổ sung các quy trình, phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính.
Ba là, tăng cường và phát huy tính độc lập của KTNN, cũng như của kiểm toán viên nhà nước, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ để không ngừng tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động.
Bốn là, kiện toàn công tác cán bộ và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao; có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng. Đồng thời, phải đề cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Năm là, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 nhằm tiếp cận, bồi dưỡng cán bộ kiểm toán Việt Nam về nội dung, phương pháp, kỹ thuật kiểm toán hiện đại, tiên tiến trên thế giới, nâng cao vị trí, hình ảnh của cơ quan KTNN nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Hiện nay, vị thế của KTNN đang được đề cao; quyền hạn, trách nhiệm đã được mở rộng; Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, ủng hộ, nhưng cũng đòi hỏi, mong muốn KTNN làm tròn trách nhiệm của mình là: đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công kịp thời, chính xác, minh bạch.
Quốc hội yêu cầu KTNN không để kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên của KTNN có những hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho các đơn vị kiểm toán hoặc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán, hoặc báo cáo sai lệch, hoặc không đầy đủ, hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi như đưa - nhận - môi giới hối lộ hoặc tiết lộ bí mật nhà nước.
Với trách nhiệm giám sát tối cao hoạt động của tổ chức bộ máy nhà nước, tới đây, Quốc hội phải tăng cường tạo điều kiện để KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng cũng sẽ tăng cường nghe báo cáo kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, có thể sẽ có những phiên giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tin tưởng, với khí thế mới, niềm tin mới, KTNN sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gian khổ, chung sức, chung lòng, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
NGUYỄN HỒNG(ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019