Phát huy sức mạnh, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:05, 07/02/2019
(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán nhân dịp Xuân Kỷ Hợi
♦ Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, Xuân mới 2019 đang tới, năm 2018 đã khép lại với những thành tựu đáng tự hào của toàn ngành KTNN. Nhân dịp này, xin đồng chí vui lòng điểm lại một số kết quả nổi bật mà ngành KTNN đã đạt được trong năm vừa qua?
- Trước hết, cần phải khẳng định, những thành tựu mà KTNN đạt được trong năm vừa qua là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm phát huy sức mạnh toàn ngành khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Xác định nhiệm vụ kiểm toán có vị trí hết sức quan trọng trong hoạt động của KTNN, trong năm 2018, toàn Ngành đã tập trung tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động kiểm toán, thể hiện trên các khía cạnh: công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán được đổi mới đảm bảo đúng pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai từng đầu mối, dự án được kiểm toán để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đổi mới; tăng cường hiệu quả, hiệu lực kiểm toán gắn liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Các giải pháp trên đây cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức đã giúp ngành KTNN đạt được những kết quả nổi bật, hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2018.
Trong tháng 12/2018, toàn ngành KTNN đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch năm; 100% Báo cáo kiểm toán đã được phát hành trước ngày 31/12/2018. Các cuộc kiểm toán đều đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, nội dung kiểm toán và tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước. Nhiều cuộc kiểm toán có kết quả tốt, được dư luận xã hội đánh giá cao như: kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); Chuyên đề hoàn thuế GTGT; các chuyên đề đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế và khu công nghệ cao; Chuyên đề Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) liên quan đến quản lý thu NSNN tại Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.
Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 31/12/2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi cho NSNN gần 45.000 tỷ đồng) - cao nhất từ trước tới nay. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, thay thế 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chống thất thoát lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể và cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 5 vụ việc, cung cấp 146 bộ hồ sơ cho các cơ quan có trách nhiệm (Ban Nội chính T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, các Ủy ban của Quốc hội...) để giám sát, kiểm tra và thực hiện tố tụng; góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, KTNN đã chủ động gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN năm 2019 và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019 để Quốc hội xem xét, quyết định. Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo KTNN về một số kết quả kiểm toán trọng yếu năm 2017. Thủ tướng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả KTNN đã đạt được, trong đó, KTNN đã thực hiện nhiều chủ đề, nội dung kiểm toán phức tạp, nhạy cảm và đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể. Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của KTNN, nhất là việc hoàn thiện những bất cập, hạn chế, sơ hở trong các quy định của pháp luật.
Đồng thời, sự phối hợp giữa KTNN với các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Thanh tra, Tòa án đã chủ động, nhịp nhàng, chặt chẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Năm 2018 cũng ghi dấu ấn đặc biệt, khẳng định uy tín, vị thế của KTNN Việt Nam trong khu vực và trên thế giới khi lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và chính thức trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.
Các lĩnh vực công tác khác của KTNN như: xây dựng và phổ biến pháp luật; tổ chức cán bộ và đào tạo; nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học; ứng dụng CNTT; xây dựng cơ sở vật chất, an sinh xã hội... cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của toàn Ngành trong năm 2018.
♦ Tiếp nối những kết quả, thành tích của năm qua, xin đồng chí vui lòng cho biết những nét chính về phương hướng, nhiệm vụ công tác của toàn Ngành trong năm 2019?
- Có thể thấy, năm 2019, chúng ta bước vào một giai đoạn rất đặc biệt. Đối với đất nước, đây là năm thứ tư - năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm 2015-2020; năm bản lề tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm thứ tư triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch Đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết số 26/2016/QH14; tiếp tục triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; là năm thứ hai triển khai lập Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm theo Luật NSNN.
Đối với KTNN, năm 2019 có ý nghĩa quyết định trong thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, năm đầu tiên KTNN đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ngành. Đồng thời, đây cũng là năm thực hiện kiểm toán niên độ ngân sách năm 2018 với nhiều thay đổi trong quản lý điều hành NSNN, nhất là các cơ chế, chính sách về thuế và đầu tư.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành KTNN xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 là: “Cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước để thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020; đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021, nâng cao vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế; gia tăng hiệu lực Quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ngành”.
♦ Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ đặt ra cho KTNN năm 2019 là rất nặng nề. Rất mong đồng chí cho biết, KTNN sẽ triển khai những giải pháp nào nhằm thực hiện thắng lợi mọi mặt nhiệm vụ chính trị được giao?
- Để đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2019, lãnh đạo KTNN yêu cầu toàn Ngành phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt 10 nhóm giải pháp, trong đó nổi bật là:
Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2019 đảm bảo khoa học, hiệu quả.
Hai là, tăng cường và thực hiện đồng bộ các giải pháp về giáo dục đạo đức, tác phong, chính trị tư tưởng gắn với nắm bắt tình hình, theo dõi, kiểm tra và giám sát ở tất cả các cấp quản lý trong toàn Ngành.
Ba là, tập trung xây dựng và hoàn thiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015, trong đó chú trọng các quy định về phạm vi, đối tượng của KTNN; trách nhiệm của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là nhiệm vụ kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán. Trong đó, xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm 2019 một cách khoa học và hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp, kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề..., chỉ ra những hạn chế, bất cập của các chủ trương hoặc lỗ hổng cơ chế, chính sách.
Năm là, tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH và Hội đồng nhân dân các cấp; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán.
Cùng với đó, KTNN sẽ đồng thời triển khai các nhóm giải pháp nhằm kiện toàn công tác cán bộ; lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021; tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ cao và CNTT vào các hoạt động kiểm toán, ban hành Chiến lược và khung kiến trúc CNTT của KTNN đến năm 2030; tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng kiểm toán, phát động phong trào thi đua nhằm tôn vinh các cuộc kiểm toán chất lượng vàng, kịp thời biểu dương các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và kiểm toán viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu.
Nhiệm vụ công tác năm 2019 của KTNN rất nặng nề, đầy thách thức với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Vì vậy, tôi kêu gọi các đơn vị trong toàn Ngành cùng nỗ lực phấn đấu, quyết liệt tổ chức thực hiện có chất lượng và hiệu quả nhiệm vụ được giao để góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện Kế hoạch công tác năm 2019 đã đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
HỒNG THOAN (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019