Hưng Hà - huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:15, 07/02/2019
(BKTO) - Cuối năm 2015, Hưng Hà là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình về đích nông thôn mới (NTM) trong niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Để xây dựng NTM thành công, Hưng Hà đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Cùng với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của Đảng bộ và chính quyền địa phương, một yếu tố quan trọng không thể thiếu là phát huy được nội lực, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của người dân.
Tận dụng nguồn lực từ nhân dân
Ngay sau khi trở thành huyện đạt chuẩn NTM, Hưng Hà đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trong Huyện tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn Huyện. Trong đó, Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã đã về đích tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí; địa phương chưa về đích cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí. Huyện cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng NTM như: hỗ trợ giống lúa mới, giống cây vụ đông; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất sản xuất vụ đông quy mô lớn...
Trường Trung học cơ sở Thái Phong (xã Thái Phong) được xây dựng khang trang, sạch đẹp - Ảnh: Lê Hòa
Điểm thuận lợi trong quá trình xây dựng NTM ở Hưng Hà là sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của người dân. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà Phạm Văn Bình, phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức và thu hút mọi người cùng tham gia thực hiện. Nhân dân nhiều địa phương không còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước mà đã chủ động, tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để nâng cấp, xây dựng công trình giao thông nông thôn và các công trình công cộng khác, góp phần duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Toàn dân đã đóng góp gần 167 tỷ đồng (chiếm 37,2% kinh phí xây dựng NTM). Trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp bằng đất làm giao thông thủy lợi nội đồng là trên 3,7 triệu m2; tham gia lao động đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng là gần 3 triệu m2. Đặc biệt, nhiều người con Hưng Hà đi làm ăn xa đã đóng góp tiền, của và nhiều sáng kiến để xây dựng NTM trên địa bàn.
Điển hình là xã Thái Phương, với sự tận dụng tối đa nguồn lực từ người dân, cùng sự vào cuộc của toàn bộ máy chính quyền, đến nay, Xã đã đạt chuẩn NTM. Theo lãnh đạo xã Thái Phương, trong xây dựng NTM, đặc biệt là hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng - một trong những tiêu chí mà cần nguồn lực tài chính rất lớn - bằng biện pháp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương đã tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp kinh phí tự nguyện. Với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của toàn bộ người dân trên địa bàn, Xã đã huy động được nhân dân đóng góp trên 62.000 m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động làm trên 40 km đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng và xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng.
Chị Trần Thị Diệp (xã Thái Phương) cho biết, Chương trình Xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của chúng tôi. Là người dân của địa phương, chúng tôi rất phấn khởi, tự hào và sẽ tiếp tục cùng chính quyền thực hiện tốt các mục tiêu trong việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Còn theo chị Nguyễn Thị Dương (xã Thái Phương), NTM cũng là những gì gần gũi, thiết thực nhất đối với gia đình. Đó là những con đường bê tông, đường điện được kéo ra tận vườn, là hệ thống thủy lợi thuận tiện cho việc tưới tiêu nước. Và hơn hết, chính quyền đã thực sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác thế mạnh của đồng đất, tạo sự đổi thay rõ rệt trong từng ngõ xóm, làng quê. Nông thôn ngày càng được hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thanh bình và yên ả!
Phát huy dân chủ, nâng cao nhận thức của người dân
Không chỉ ở Thái Phương, đến thăm tất cả các xã, thị trấn của huyện Hưng Hà hôm nay đều dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn đã “thay da đổi thịt”. Những con đường lầy lội, thường xuyên bị ngập úng năm nào giờ đã được thay mới bằng những con đường bê tông kiên cố dẫn đến từng thôn. Các công trình phúc lợi, trường học được quan tâm xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, điều kiện về an sinh xã hội cũng ngày càng hoàn thiện giúp đời sống nhân dân ngày một nâng lên.
Theo báo cáo của UBND Huyện Hưng Hà, tổng giá trị sản xuất của Huyện năm 2017 đạt trên 13.800 tỷ đồng, tăng gấp 1,46 lần so với năm 2012. Toàn Huyện có 4 xã nghề, 51 làng nghề và 6 cụm công nghiệp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp, thủy sản 24,03%; công nghiệp và xây dựng 55,63%; thương mại, dịch vụ 20,34%. Giáo dục tiếp tục duy trì xếp thứ 2/8 huyện, thành phố, 87% trường học đạt chuẩn quốc gia. 33/33 xã của Huyện đều đạt mức thu nhập bình quân trên 36,5 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn Huyện đã có 33/33 xã về đích NTM. Thành công nối tiếp thành công đã góp phần đưa diện mạo nông thôn Hưng Hà ngày càng khởi sắc.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng NTM, lãnh đạo UBND huyện Hưng Hà cho biết, Đảng bộ và nhân dân Huyện luôn xác định xây dựng NTM là chủ trương đúng và trúng, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy, quá trình lãnh đạo phải phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết thống nhất; trong chỉ đạo phải đồng bộ, sâu sát, quyết liệt; trong tổ chức thực hiện phải đề cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Mặt khác, phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức và xác định rõ vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng NTM. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương; khơi dậy và phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần của mỗi người dân, gia đình, dòng họ, đây là nguồn lực chủ yếu, bền vững để phát triển sản xuất và xây dựng NTM.
LÊ HÒA - HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019