Hướng tới Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3): Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đầu tư - Ngày đăng : 09:40, 20/02/2019
(BKTO)- Xác định quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam là nhân tố trọng tâm của quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa, cả hệ thống chính trị đã và đang tích cực vào cuộc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những động thái này càng được thể hiện rõ ràng hơn trước thềm Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3).
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đoàn thể nhân dân quan tâm và đạt được một số kết quả bước đầu, song thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng. Nếu tình trạng này, không sớm được khắc phục, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, mà còn suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
![]() |
Công tác bảo vệ người tiêu dùng ngày càng được quan tâm-Ảnh: Q.ANH |
Do đó, Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Chỉ thị).
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Chỉ thị số 30 khẳng định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Những chuyển động từ thực tế
Đảm nhiệm vai trò đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những năm qua, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, Bộ Công Thương đã liên tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng trực tiếp tham gia công tác này. Đáng chú ý, năm 2017, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được kiện toàn theo hướng nâng cấp công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên một tầm cao mới, thống nhất đầu mối quản lý và thực thi các chính sách, xử lý hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, Bộ đã chủ động ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thiết thực để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Minh chứng tiêu biểu là việc thực hiện chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) trong suốt những năm gần đây.
![]() |
DN hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam-Ảnh: Q.ANH |
Tăng cường giải pháp bảo vệ người tiêu dùng từ năm 2019
Chủ động trong công tác triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 9266/KH-BCT, trong đó nêu rõ chủ đề tổ chức các hoạt động hưởng ứng là “Kinh doanh lành mạnh- Tiêu dùng bền vững”. Trong đó, Kế hoạch đặc biệt tăng cường các sự kiện tri ân người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, giao dịch qua các trang mạng xã hội…
![]() |
Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại- |
Để nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ năm 2019, Chỉ thị của Ban Bí thư đã nhấn mạnh 06 nhóm giải pháp cụ thể, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải thực hiện nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
![]() |
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua sản xuất và kinh doanh hàng chính hãng- Ảnh: Q.ANH |
QUỲNH ANH