Nhiều vướng mắc trong việc triển khai thu phí không dừng tại các trạm BOT

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:50, 20/02/2019

(BKTO) - Theo lộ trình của Chính phủ, hết năm 2018, tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ áp dụng hình thức thu phí không dừng; hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu phí còn lại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đến nay, lộ trình này chưa thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.


Mới vận hành 26/44trạm thu phí không dừng

Dự án thu phí không dừng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt vào cuối năm 2015 theo hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Theo đó, các nhà cung cấp hệ thống thu phí không dừng sẽ đầu tư hệ thống này tại các trạm BOT thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư BOT và hưởng phần chi phí quản lý, tổ chức thu phí. Giai đoạn 1 của dự án có 28 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ được triển khai thu phí không dừng. Đến tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg yêu cầu đến hết năm 2018, toàn bộ trạm BOT trên các tuyến đường nêu trên phải áp dụng thu phí không dừng để tạo thuận lợi trong lưu thông và minh bạch việc thu phí. Sau khi được Bộ GTVT rà soát, bổ sung, giai đoạn 1 được nâng lên tổng cộng 44 trạm với trên 600 làn thu phí phải thực hiện thu phí không dừng. Tuy nhiên, đến hết năm 2018, mới chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn thu phí không dừng được đưa vào vận hành.

Lý giải về việc này, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ do năng lực tài chính của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, do yêu cầu đặc thù về công nghệ của nhà cung cấp dịch vụ nên Bộ GTVT không thể nhanh chóng chọn nhà cung cấp khác để thay thế. Ngoài ra, sự phối hợp của nhà đầu tư BOT trong triển khai thu phí không dừng chưa tốt, có nhiều nhà đầu tư BOT ủng hộ nhưng một số khác lại gián tiếp cản trở triển khai. “Có hiện tượng nhà đầu tư BOT ngại sự minh bạch, một số lại lo ngại không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí đang thu hộ cho họ. Có nhà đầu tư yêu cầu phải để một hệ thống song song với thu phí tự động để giám sát. Tuy nhiên, việc đặt thêm hệ thống sẽ tác động từ lên hệ thống thu phí không dừng, ảnh hưởng tới chất lượng thu phí… Có thể họ chưa biết sâu sắc về thu phí tự động không dừng nên e ngại” - ông Toàn cho biết.

Một nguyên nhân khác cũng được ông Toàn chỉ ra là do phương án tài chính ban đầu của các dự án thu phí không dừng không đảm bảo, mức phí trả cho đơn vị thu phí không theo phương án tài chính trong hợp đồng. Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại, mất thêm nhiều thời gian. Sau khi Thủ tướng đồng ý, mới tiếp tục triển khai giai đoạn 1 và đấu thầu tìm nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho giai đoạn 2 dẫn tới chậm tiến độ.

Hoàn thành thu phíkhông dừng trong năm 2019

Nhiều ý kiến cho rằng, thu phí không dừng rất phổ biến trên thế giới. Hầu hết các nước đều đa dạng hóa phương thức thanh toán: áp dụng công nghệ tự động không dừng, trả tiền qua thẻ thanh toán, thanh toán qua thẻ ngân hàng. Còn tại Việt Nam, thực trạng thiếu minh bạch tại các trạm thu phí được đặt ra từ lâu, cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các chủ đầu tư thu phí tự động, không dùng tiền mặt nhưng việc này triển khai còn rất chậm. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội, trong khi việc thu phí bằng tiền mặt khó kiểm soát, không đảm bảo công khai, minh bạch các khoản đóng góp từ người dân.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, để nâng cao hiệu quả của hệ thống thu phí không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện, hệ thống này cần triển khai đồng loạt ở tất cả các cửa thu phí. Vì vậy, Bộ GTVT đã có chỉ đạo phải triển khai thu phí không dừng ở tất cả các làn thu phí, chỉ duy trì một làn ngoài cùng chiều xe chạy tổ chức thu hỗn hợp. Hiện Tổng cục đang quyết liệt yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí trước tháng 3/2019 để triển khai thu phí không dừng.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến tháng 12/2018, mới có 680.000 phương tiện dán thẻ E-tag (thu phí không dừng), trong khi cả nước hiện có khoảng 3 triệu ô tô đang lưu hành. Do đó, Tổng cục rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của người dân, xã hội, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư BOT vì mục tiêu công khai, minh bạch trong thu phí và sự thuận tiện của người tham gia giao thông khi qua các trạm thu phí.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu đến hết năm 2019 phải chấm dứt thu phí thủ công. Tất cả trạm BOT trên cả nước phải thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh tạo thuận lợi cho người dân, hệ thống thu phí tự động không dừng phải chứng tỏ được sự công khai, minh bạch để người dân, tổ chức, đơn vị cùng giám sát; đồng thời, tại các trạm thu phí phải có bảng thông tin điện tử tự động hiển thị từng chiếc xe đi qua, từng số tiền thu được để minh bạch chuyện thu phí.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019