Giá thuốc và dịch vụ y tế tăng tác động lớn đến CPI

Kinh tế - Ngày đăng : 16:11, 06/04/2025

(BKTO) - Giá xăng dầu, giá gạo giảm theo giá thế giới là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2025 giảm 0,03% so với tháng trước; tăng 1,3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước.
t6.jpg
Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: ST

Tính chung quý I/2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,01%. 

Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 3/2025 so với tháng trước, 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 08 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Trong 03 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức 1,41%, trong đó chỉ số giá xăng giảm 3,61%; chỉ số giá dầu diezen giảm 4,67% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,75%, chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán; dịch vụ trông giữ xe giảm 0,11% do nhu cầu giảm.

Ngược lại, giá dịch vụ sửa chữa xe đạp tăng 0,51%; dịch vụ sửa chữa xe máy tăng 0,49% do chi phí nhân công tăng; phụ tùng ô tô tăng 0,39%; lốp, săm xe đạp tăng 0,12%; xe ô tô mới tăng 0,1%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05%, trong đó: Lương thực giảm 0,83%; thực phẩm tăng 0,08%; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,03%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,04% do nhu cầu tiêu dùng giảm, trong đó giá rượu bia giảm 0,02%; đồ uống không cồn giảm 0,22%; riêng nhóm thuốc hút tăng 0,04% do giá đô la Mỹ tăng nên một số loại thuốc lá nhập khẩu tăng.

Còn lại, có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (tác động làm tăng CPI chung 0,09 điểm phần trăm), chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng sau: Giá thuê nhà tăng 1,09% do nhu cầu thuê nhà tăng cao. Ngoài ra, giá bất động sản ở mức cao khiến nhiều chủ hộ tăng giá thuê để phù hợp với giá trị tài sản.

Theo đó, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,25%. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,26% do giá xi măng, giá thép tăng theo chi phí nguyên vật liệu đầu vào như than, phôi thép, điện, chi phí nhân công tăng.

Ngược lại, một số nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Giá dầu hỏa giảm 4,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá điện sinh hoạt giảm 0,14%, nước sinh hoạt giảm 1,63% do nhu cầu tiêu dùng giảm sau Tết; giá gas giảm 0,46% do từ ngày 01/3/2025 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 2.000 đồng/bình 12 kg theo xu hướng giảm của giá thế giới.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng: Nhóm đồ trang sức tăng 3,73% theo giá vàng thế giới; dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,17%; máy dùng điện cho chăm sóc cá nhân tăng 0,2%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,31%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng sau: Du lịch trọn gói tăng 0,57% (du lịch ngoài nước tăng 0,77%; du lịch trong nước tăng 0,49%) do nhu cầu du lịch của người dân và chi phí dịch vụ tăng; nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 0,29%; khách sạn, nhà khách và thiết bị, dụng cụ thể thao cùng tăng 0,2%; tạp chí tăng 0,19%; ti vi màu tăng 0,11%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%, trong đó, một số mặt hàng tăng: Giá máy giặt tăng 0,87%; máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,48%; ổn áp điện tăng 0,38%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,15%; đèn điện thắp sáng tăng 0,14%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,12%; hàng dệt trong nhà tăng 0,11%; dịch vụ sửa chữa thiết bị trong gia đình tăng 0,23%; dịch vụ trong gia đình tăng 0,08%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, trong đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 0,14% do các địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, thời tiết miền Bắc chuyển sang nồm ẩm nên bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Cụ thể, giá nhóm thuốc chống dị ứng tăng 0,32%; vitamin và khoáng chất tăng 0,12%; thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,11%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,1%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,08%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,05%, trong đó, chỉ số giá vải các loại tăng 0,31%; quần áo may sẵn tăng 0,08%; may mặc khác tăng 0,06%; dịch vụ giày dép tăng 0,28%; dịch vụ may mặc tăng 0,17% do chi phí nhân công tăng. - Nhóm giáo dục tăng 0,02% do giá văn phòng phẩm tăng 0,14%, trong đó bút viết các loại tăng 0,32%; sản phẩm từ giấy tăng 0,19%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,18%.

Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,02%, trong đó, thiết bị điện thoại tăng 0,05% do nhóm máy điện thoại di động thông thường và dịch vụ sửa chữa điện thoại tăng. Ở chiều ngược lại, giá phụ kiện điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,11%; máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,57%; máy điện thoại cố định giảm 0,06%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,63%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,26%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,57%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; bưu chính viễn thông giảm 0,59%; giáo dục giảm 0,61%; giao thông giảm 2,4%.

CPI quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78% (góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm), trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,49% (tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm) do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết; chỉ số giá gạo tăng 0,97%; chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,06%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11% (làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng. Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,11% (góp phần làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm) do nhu cầu sử dụng điện tăng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11/10/2024.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4% (làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm) do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16% (góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI quý I/2025, gồm: Chỉ số nhóm giao thông giảm 2,4% (góp phần làm CPI chung giảm 0,23 điểm phần trăm), trong đó giá xăng dầu giảm 9,73%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 6,06%.

Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 0,61% (góp phần làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do trong năm học 2024-2025 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã miễn, giảm mức học phí cho các đối tượng theo quy định.

Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,59% (góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm) do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đã được đưa ra thị trường một thời gian.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2025 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2025, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

PHÚC KHANG