Làm gì để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 10/04/2025

(BKTO) - Doanh nghiệp (DN) được xem là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam. Từ hơn 940.000 DN hiện tại, mục tiêu đạt 2 triệu DN vào năm 2030 là một chặng đường đầy tham vọng nhưng cũng không ít chông gai. Liệu Việt Nam có thể vượt qua?
12.jpg
Hiện cả nước có khoảng hơn 940.000 DN đang hoạt động trên thị trường. Ảnh minh họa

Nhiều thách thức trong việc gia tăng số lượng doanh nghiệp

Sau gần 40 năm đổi mới, một trong những thành tựu nổi bật nhất của cải cách kinh tế ở Việt Nam là sự nổi lên của một khu vực kinh tế tư nhân năng động và sự gia tăng nhanh chóng số lượng DN, theo đó, tính đến đầu năm 2025, số liệu thống kê cho thấy, cả nước có khoảng hơn 940.000 DN. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển DN nhỏ và vừa, với mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu DN. Tức là, nếu cộng thêm số DN hiện tại, đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất gần 2 triệu DN.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong quý I/2025, cả nước có hơn 72.900 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Mục tiêu này được giới chuyên gia đánh giá là có nhiều ý nghĩa song không ít thách thức. Bởi lẽ, nhìn lại trước đây, Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 và 1,5 triệu DN vào năm 2025, song đến nay cả nước mới có gần 1 triệu DN, bằng khoảng 2/3 so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu có 2 triệu DN vào năm 2030, cần phải có thêm gần 1,1 triệu DN mới trong vòng 5 năm tới. Mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới mỗi năm khá cao, nhưng số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể cũng không nhỏ. Đơn cử, năm 2024, cả nước có 157.240 DN thành lập mới; ở chiều ngược lại có 197.861 DN rút lui khỏi thị trường. “Trong thời gian qua, tỷ lệ DN rút lui khỏi thị trường thường bằng khoảng hơn 70%, thậm chí có thời gian còn vượt số DN thành lập mới. Điều này cho thấy thách thức rất lớn trong việc duy trì và gia tăng số lượng DN trong thời gian tới” - chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Cũng đánh giá mục tiêu đạt 2 triệu DN vào năm 2030 có nhiều thách thức, song theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn vào tình hình thực tế của đất nước cho thấy cũng có những điều kiện thuận lợi nhất định để có thể kỳ vọng hiện thực hóa được mục tiêu trên. Cụ thể, cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, trong đó có nhiều hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm không thua kém các DN tư nhân cỡ vừa, do đó chỉ cần 1/3 số hộ kinh doanh chuyển lên thành DN thì khi đó mục tiêu có thêm hơn 1 triệu DN mới trong 5 năm tới không phải là không khả thi. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển DN; cùng với đó tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ thời gian gần đây đó là khuyến khích tự do kinh doanh theo Hiến pháp và pháp luật, mọi cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm; đồng thời Chính phủ cũng đang quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN gia nhập thị trường và phát triển.

Cải cách đột phá về thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp phát triển

Bình luận sâu hơn về tầm quan trọng của mục tiêu có 2 triệu DN vào năm 2030, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, trước hết đây là cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với 2 triệu DN hoạt động, việc làm cho hàng triệu lao động sẽ được tạo ra, điều này không chỉ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội mà còn nâng cao mức sống của người dân. Sự phát triển của các DN, đặc biệt là các DN có quy mô lớn, sẽ đóng góp trực tiếp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quốc gia, giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Thứ hai, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo đó, số lượng DN tăng lên sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thứ ba, DN là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, do đó sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng DN sẽ thúc đẩy thực hiện nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, sự xuất hiện của các DN lớn sẽ tạo ra hiệu ứng thu hút đầu tư nước ngoài, khi các nhà đầu tư quốc tế nhận thấy tiềm năng lớn từ một nền kinh tế đang phát triển. “Ở các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc, các DN vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm và thúc đẩy đổi mới. Việt Nam nếu đạt được mục tiêu có 2 triệu DN cũng sẽ tạo ra một mạng lưới các DN năng động, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế” - TS. Dũng nhấn mạnh.

Với những ý nghĩa trên, để hiện thực hóa mục tiêu gia tăng nhanh số lượng DN trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp lý liên quan đến việc đăng ký thành lập DN theo hướng giảm tối đa thời gian, chi phí, thủ tục, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN gia nhập thị trường. Đồng thời, cần tăng cường các cơ chế, chính sách khuyến khích DN khởi nghiệp; cũng như các chính sách thúc đẩy, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành DN, nhất là cần cải cách mạnh mẽ chính sách về thuế để các hộ kinh doanh tự tin, mạnh dạn đăng ký thành lập DN.

Đặc biệt, theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Công ty Economica Việt Nam, để làm “bệ đỡ” cho DN khởi sự kinh doanh và phát triển bền vững, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch, thông thoáng, tạo môi trường thuận lợi cho sự bứt phát của cộng đồng DN trong kỷ nguyên mới. Cũng theo ông Bình, các mục tiêu phát triển DN được đặt ra trong những giai đoạn trước đều đã bị “lỡ hẹn”, tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển mạnh mẽ số lượng DN, với mục tiêu phấn đấu đạt 2 triệu DN vào năm 2030. Do đó, nếu không có sự cải cách đột phá về thể chế thì rất có thể chúng ta lại lỡ hẹn mục tiêu trên, bởi chất lượng khung khổ thể chế và pháp luật sẽ quyết định chất lượng môi trường kinh doanh và sự phát triển của cộng đồng DN. Theo đó, điều quan trọng nhất là cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy quản lý của các cơ quan nhà nước theo hướng chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ DN, đồng hành cùng DN, có như vậy mới thúc đẩy DN khởi sự kinh doanh và trụ vững trên thị trường./.

TUẤN MINH