Không được dối trá với Đảng, với dân

Chính trị - Ngày đăng : 11:29, 10/04/2025

(BKTO) - Trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Một trong những nội dung mà những kẻ chống phá thường xuyên tung ra là: Cán bộ, đảng viên cộng sản mắc bệnh gian dối, chỉ thích khoe khoang, thổi phồng thành tích, luôn che giấu hạn chế, khuyết điểm và do dối trá mà Đảng luôn yếu kém, dân mất niềm tin.
2(1).jpeg
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trung thành, thẳng thắn với Đảng, với nhân dân là đạo đức cốt yếu của mỗi người cách mạng. Ảnh: ST

Đảng giáo dục đảng viên phải gần gũi nhân dân, cán bộ ngoài Đảng; phải thật thà, không lên mặt, biết sao nói vậy; không biết, phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt. Đối với mọi người, phải thật thà chân thành, không khách sáo, ngoại giao. Làm như thế thì cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng tin nhau, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhưng trái ngược với những thông tin sai trái, xấu độc trên, thực tế hơn 95 năm ra đời, phát triển lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn quan tâm, chú trọng đấu tranh ngăn ngừa, khắc phục, sửa chữa hiện tượng dối trá trong Đảng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu; trong quá trình công tác, bên cạnh những ưu điểm, thành tích, khó tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí là sai lầm. Người nhắc nhở: “Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”. Người còn chỉ rõ: Tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một cán bộ, đảng viên thì sẽ có hại cho Đảng, có hại cho nhân dân. Năm 1957, khi bàn về nguyên tắc phê bình và tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trung thành, thẳng thắn với Đảng, với nhân dân là đạo đức cốt yếu của mỗi người cách mạng và trái lại, giấu giếm sai lầm tức là dối trá với Đảng, với nhân dân, là trái với đạo đức cách mạng.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trung thực, thẳng thắn, không che giấu hạn chế, khuyết điểm, sai lầm mà phải nhận rõ hạn chế, khuyết điểm, sai lầm và kiên quyết khắc phục, sửa chữa. Người yêu cầu: “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”. Năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho lớp chỉnh Đảng Liên khu V: Phải thật thà tự phê bình và phê bình; thái độ học tập phải nghiêm chỉnh, tự kiểm thảo phải thật thà. Người thường xuyên nhắc nhở: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Trong bài báo “Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng” đăng trên Báo Sự thật năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn khuyên răn đội ngũ cán bộ về tính trung thực, tinh thần phê bình và tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Người chỉ rõ trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc vào ngày 17/10/1945: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lỗi lầm trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở cán bộ, đảng viên không được gian dối mà phải thật thà, gần gũi, gắn bó để có được mối quan hệ tốt với nhân dân, với cán bộ ngoài Đảng. Tháng 8/1953, nói chuyện ở lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Đảng giáo dục đảng viên phải gần gũi nhân dân, cán bộ ngoài Đảng; phải thật thà, không lên mặt, biết sao nói vậy; không biết, phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt. Đối với mọi người, phải thật thà chân thành, không khách sáo, ngoại giao. Làm như thế thì cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng tin nhau, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ”.

Những năm qua, tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên quán triệt, thực hiện nghiêm túc trong công tác xây dựng Đảng của thời kỳ đổi mới. Cùng với khẳng định những ưu điểm, thành tích, Đảng ta không che giấu mà thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nghiêm túc sửa chữa, khắc phục. Nhiều chủ trương, giải pháp tích cực được đưa ra theo tinh thần mà Đảng và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điển hình như Đảng ta đã chỉ ra những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến mà cán bộ, đảng viên cần nhận rõ và kiên quyết, kiên trì phòng, chống, ngăn ngừa, sửa chữa, khắc phục. Trong đó có những biểu hiện như: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Đảng cũng ban hành quy định chặt chẽ về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, với yêu cầu cán bộ, đảng viên: Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu giếm khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Điều đáng mừng là những nội dung trên đã được Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên cùng với sự tin tưởng, đồng thuận, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, đồng thuận, hưởng ứng, thực hiện với hiệu quả ngày càng cao.

Luôn luôn trung thực, không dối trá với Đảng, với dân là một trong những yêu cầu quan trọng phải có của đội ngũ cán bộ, đảng viên để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam vững bước đi đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh của đất nước./.

CÔNG MINH