Lấp “lỗ hổng” pháp lý về quảng cáo trên không gian mạng
Pháp luật - Ngày đăng : 12:23, 10/04/2025

Khó khăn trong quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng
Mới đây, vụ việc Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) bị khởi tố, bắt giam vì có liên quan đến tội danh lừa dối khách hàng, đã gây xôn xao dư luận. Trước đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã ban hành 2 quyết định xử phạt Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục mỗi người 70 triệu đồng do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo. Đáng nói, đây không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra, khi tình trạng người dùng mạng xã hội, các nghệ sỹ nổi tiếng giới thiệu, quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, ngày càng trở lên phổ biến. Đặt trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, những vụ việc như trên càng cho thấy yêu cầu bức thiết về việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 12 năm triển khai Luật Quảng cáo năm 2012, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đặc biệt, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng rôn, báo in, báo nói, báo hình…) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…); kéo theo đó là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Luật Quảng cáo hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà nằm rải rác tại một số văn bản dưới luật, nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Nhìn nhận thực tế này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng, trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến, ngày càng trở nên phổ biến nhưng pháp luật chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả. “Chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo trên truyền hình, báo chí nhưng trên mạng xã hội còn rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp, khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng” - đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) nhận xét.
Thiết lập chế tài mạnh, đủ sức răn đe
Khắc phục thực trạng trên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bổ sung các quy định đối với hoạt động quảng cáo trên mạng. Theo đó, Luật quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam…
Các ĐBQH nhấn mạnh, Luật phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng. “Luật sửa đổi cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng, bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng” - đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) nhấn mạnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) chỉ ra, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ. Do vậy, Dự thảo Luật cần xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới, bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn. “Cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong 24 giờ; đặc biệt, cần nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…” - đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.
Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện, xử lý, không đạt được mục tiêu ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả việc bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, quá trình thảo luận nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã bổ sung việc giải thích thuật ngữ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng đối với xã hội, đồng thời đã bổ sung, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có nghĩa vụ: tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện quảng cáo. Người quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu như: trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài tuân thủ các quy định tại Luật này còn phải có nghĩa vụ xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ; cùng với đó, phải thông báo trước về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.
Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới. Mong rằng, với quá trình xem xét, tiếp thu thấu đáo ý kiến ĐBQH, bám sát yêu cầu thực tiễn, Dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, hữu hiệu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, góp phần đưa hoạt động quảng cáo trên mạng phát triển đúng hướng và đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội./.