KTNN khu vực XI: Vận dụng đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong lập kế hoạch kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 07:15, 19/05/2016

Trích tham luận của KTNN khu vực XI tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của KTNN



Việc xác định trọng yếu trong kiểm toán do các kiểm toán viên nhiều kinh nghiệm tiến hành. Ảnh: ĐÔNG SƠN
Kinh nghiệm đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu

Kết thúc năm 2015, KTNN khu vực XI đã đạt được một số kết quả bước đầu của việc vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lập Kế hoạch kiểm toán (KHKT). Đơn cử, đối với cuộc kiểm toán ngân sách tỉnh Thanh Hóa, ngay từ khâu lập KHKT, qua phân tích thông tin thu thập được từ Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, KTNN khu vực XI nhận thấy nguồn kinh phí T.Ư bổ sung có mục tiêu vượt cao so với dự toán và đã xác định đây là vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro. Khi thực hiện kiểm toán tổng hợp tại Sở Tài chính, Kiểm toán trưởng đã chỉ đạo Đoàn kiểm toán làm rõ và phê duyệt bổ sung kế hoạch đối chiếu nguồn kinh phí này tại các huyện và kết quả kiểm toán thực tế cho thấy nguồn kinh phí này đã được T.Ư cấp thừa 170 tỷ đồng so với nhu cầu của địa phương.

Đối với việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi lựa chọn kiểm toán tại các Ban quản lý dự án, KTNN khu vực XI đã đánh giá và xét đoán một số Ban quản lý dự án kiêm nhiệm quản lý dễ có khả năng kiểm soát yếu hơn các Ban quản lý dự án chuyên trách nên tiềm ẩn các rủi ro, qua đó đã chỉ đạo lập KHKT tập trung kiểm toán các Ban quản lý dự án kiêm nhiệm. Qua kiểm toán đã phát hiện những sai sót trọng yếu như: áp dụng sai đơn giá xây dựng cơ bản làm tăng giá trị dự toán công trình, có những hạng mục tính sai làm tăng giá trị dự toán trên 50%, cá biệt có những hạng mục tính sai làm tăng giá trị dự toán 99%.

Đối với các hạng mục rà phá bom mìn được đánh giá tiềm ẩn rủi ro và xác định là nội dung mang tính trọng yếu, lãnh đạo KTNN khu vực XI đã chỉ đạo tập trung kiểm toán công tác rà phá bom mìn tại một số dự án. Đáng chú ý là qua kiểm tra 7 dự án cho thấy công tác nghiệm thu thanh toán khối lượng công việc rà phá bom mìn còn nhiều hạn chế, sai sót với giá trị lớn, nghiệm thu thanh toán sai chi phí nhân công thực tế trên 7 tỷ đồng, bằng 60,4% giá trị được kiểm toán, trong đó có gói thầu giá trị sai lên đến 76%.

Thu ngân sách cũng là một lĩnh vực được KTNN khu vực XI đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng thất thu NSNN cao nên đơn vị thường xuyên chú trọng đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các DN. Lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo thu thập thông tin về tình hình hoạt động, nghiệm thu, thanh toán của các DN từ nhiều nguồn như Cục thuế, Kho bạc Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư… và thực hiện quan sát một số dự án đã đưa vào sử dụng để đối chiếu, kiểm tra xem dự án đã được kê khai thuế hay chưa. Qua công tác đối chiếu thuế tại Đoàn kiểm toán ngân sách tỉnh Ninh Bình, KTNN khu vực XI đã kiến nghị tăng thu ngân sách gần 90 tỷ đồng, cá biệt có DN kê khai thiếu số thuế phải nộp lên đến gần 30 tỷ đồng, hoặc có những dự án, công trình lớn đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định.

Phải thực hiện trongtừng khâu, từng giai đoạn

Kết quả trên đạt được là do KTNN khu vực XI đã thực hiện theo phương châm:
Thứ nhất, đối với giai đoạn lập KHKT của cuộc kiểm toán, cần bố trí nhân sự Tổ khảo sát và thu thập thông tin một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, am hiểu về đối tượng và đơn vị được kiểm toán. Việc thu thập thông tin phải đảm bảo đầy đủ, thông tin đáng tin cậy, đa chiều, từ nhiều nguồn. Trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được, lãnh đạo KTNN khu vực XI chỉ đạo Tổ khảo sát và phân công các kiểm toán viên có kinh nghiệm tiến hành phân tích, đánh giá thông tin, đánh giá rủi ro, xác định các vấn đề, lĩnh vực trọng yếu của cuộc kiểm toán.

Thứ hai, đối với giai đoạn lập KHKT chi tiết, từ rủi ro và trọng yếu đã xác định trong KHKT của cuộc kiểm toán, Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán chỉ đạo Tổ kiểm toán tiếp tục thu thập thông tin để làm rõ các nhận định ban đầu để lập KHKT chi tiết.

Thứ ba, việc đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu cần được chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời trong quá trình kiểm toán để thay đổi, bổ sung vào KHKT nhằm làm rõ các vấn đề tiềm ẩn rủi ro và rủi ro cao trên cơ sở phân tích, xét đoán các thông tin thu thập được.

Đối với ngành KTNN, trọng yếu và rủi ro là khái niệm đặc trưng, cơ bản trong hoạt động kiểm toán. Mặc dù KTNN khu vực XI đã cố gắng tiếp cận, áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lập KHKT nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, tuy nhiên việc tiếp cận và áp dụng còn một số hạn chế nhất định. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng lập KHKT là do chưa có các quy định, tài liệu hướng dẫn cho hoạt động kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu một cách đầy đủ, phù hợp. Việc chọn mẫu của một số cuộc kiểm toán còn dàn trải, thiếu trọng tâm; mục tiêu, nội dung kiểm toán còn chung chung.

Bên cạnh việc phải nắm chắc các quy trình, công cụ hỗ trợ việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu còn đòi hỏi kiểm toán viên phải có khả năng xét đoán chuyên môn trên cơ sở kinh nghiệm với từng đối tượng, từng đơn vị kiểm toán cụ thể.

Đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong lập KHKT và chỉ đạo hoạt động kiểm toán là một trong những yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu của cuộc kiểm toán, do đó, KTNN khu vực XI đã đề xuất cần phải chú trọng vào công tác khảo sát, thu thập và phân tích thông tin; đồng thời cần bố trí các kiểm toán viên có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp, có khả năng xét đoán, phân tích, đánh giá những thông tin tiềm ẩn rủi ro kiểm toán cao, mang tính trọng yếu theo từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể.

Hơn nữa, việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu không chỉ dừng lại ở giai đoạn lập KHKT mà cần được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, khi đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu luôn phải bám sát nội dung, mục tiêu, trọng tâm và đề cương kiểm toán của ngành. Ngoài ra, việc xác định trọng yếu cần tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực cụ thể, nhạy cảm, xã hội quan tâm, tránh tình trạng nội dung kiểm toán chung chung, lồng ghép nhiều nội dung trong một cuộc kiểm toán.

HỒNG THOAN