Giải pháp triển khai hiệu quả các cuộc kiểm toán từ xa

Kiểm toán - Ngày đăng : 14:15, 11/04/2025

(BKTO) - Kiểm toán từ xa mang lại nhiều lợi ích về mặt thời gian, chi phí và tính linh hoạt, nhưng cũng đòi hỏi các kiểm toán viên (KTV) phải có kỹ năng sử dụng công nghệ và đảm bảo an ninh thông tin.
1(2).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Ly

Ngày 10/4, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán từ xa” do ThS. Vũ Thị Minh Thu (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) làm chủ nhiệm.

ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu.

2(2).jpg
ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đánh giá cao việc đề tài cung cấp các giải pháp và điều kiện thực hiện kiểm toán từ xa. Ảnh: Nguyễn Ly

Kiểm toán từ xa là phương thức mà KTV ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tương tác với đơn vị được kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán điện tử, làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán mà không phụ thuộc vào vị trí làm việc của KTV. Theo Đề án nghiên cứu của ASOSAI, kiểm toán từ xa là sự tích hợp công nghệ thông tin với việc phân tích dữ liệu để thu thập và đánh giá khách quan bằng chứng kiểm toán mà không cần sự hiện diện trực tiếp của kiểm toán viên.

Như vậy, kiểm toán từ xa không phải là loại hình kiểm toán mới, đây là một phương thức, cách thức kiểm toán áp dụng trong những hoàn cảnh cụ thể. Bản chất của phương thức kiểm toán từ xa là việc tăng cường kiểm toán tại trụ sở KTNN, thu thập tài liệu, thông tin và thực hiện kiểm toán bằng phương thức từ xa để hình thành ý kiến kiểm toán.

Theo ThS. Vũ Thị Minh Thu, để thực hiện kiểm toán từ xa, cả KTNN và đơn vị được kiểm toán cần có hệ thống công nghệ phù hợp và đáp ứng yêu cầu; dữ liệu được số hóa, đầy đủ, chính xác; có các biện pháp bảo mật dữ liệu, mã hóa thông tin để tránh rò rỉ hoặc mất mát dữ liệu trong quá trình thực hiện kiểm toán từ xa; tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt là quy định về tính an toàn và bảo mật dữ liệu. Đặc biệt, KTV phải có kỹ năng sử dụng công nghệ, hiểu biết về phần mềm và cách thức kiểm toán từ xa.

3(1).jpg
ThS. Vũ Thị Minh Thu cho rằng, để thực hiện kiểm toán từ xa, cả KTNN và đơn vị được kiểm toán cần có hệ thống công nghệ phù hợp và đáp ứng yêu cầu. Ảnh: Nguyễn Ly

Năm 2022, KTNN Chuyên ngành VI đã thực hiện cuộc kiểm toán từ xa tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tạo tiền đề bước đầu để KTNN thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán. Kết quả kiểm toán tại VNPT đã đạt kết quả tốt với nhiều nội dung, phát hiện, kiến nghị quan trọng. Đồng thời, mở ra một hướng đi, hình thức kiểm toán mới; tạo lập được cơ sở dữ liệu về cơ cấu tổ chức bộ máy, tình hình kinh doanh và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán, góp phần tăng tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thực tiễn triển khai kiểm toán cho thấy, kiểm toán từ xa có một số rủi ro như: Nguy cơ dữ liệu bị bóp méo, không rõ ràng, thao túng thông tin hoặc thông tin giả mạo. Do đó, mức độ sẵn có về công nghệ thông tin cũng như cơ chế vận hành an ninh dữ liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu các vấn đề này.

Kiểm toán từ xa liên quan đến các hoạt động kiểm toán trực tuyến và trao đổi dữ liệu số hóa. Do đó, việc xem xét sự an ninh đối với việc truy cập và lưu trữ dữ liệu là rất quan trọng. Để giải quyết vấn đề này, KTV và đơn vị được kiểm toán cần chính thức hóa việc giao thức mạng và thống nhất cam kết đối với tính bảo mật, tính an ninh và bảo vệ dữ liệu (CSDP).

Khi thực hiện cuộc kiểm toán từ xa, khả năng quan sát thực tế các hoạt động, quy trình và tài liệu của đơn vị được kiểm toán là rất hạn chế. Hạn chế này có thể dẫn đến các lỗi, sự không chính xác hay khả năng gian lận mà kiểm toán trực tiếp tại đơn vị có thể dễ dàng phát hiện được. Kiểm toán từ xa hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ bao gồm phần mềm họp video, nền tảng chia sẻ dữ liệu và kết nối internet. Các vấn đề kỹ thuật có thể cản trở quá trình kiểm toán dẫn đến sự chậm trễ hoặc thiếu chính xác của các phát hiện kiểm toán.

4.jpg
ThS. Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI nhấn mạnh, kiểm toán từ xa góp một phần đắc lực trong việc sử dụng tiết kiệm, tăng cường hiệu quả nguồn lực, chống lãng phí nhân lực, tài chính. Ảnh: Nguyễn Ly 

Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực trạng kiểm toán từ xa, đồng thời, tổng hợp và rút ra một số bài học từ kinh nghiệm kiểm toán quốc tế có thể áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam, Ban Chủ nhiệm đề tài đề xuất một số giải pháp: KTNN cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hoàn thiện Luật KTNN cho phù hợp với tình hình mới. Trước mắt, KTNN quy định chi tiết về quyền truy cập, khai thác dữ liệu của đơn vị được kiểm toán, truy cập vào hệ thống dữ liệu quốc gia để thu thập các thông tin cần thiết cho cuộc kiểm toán.

KTNN cần quy định về việc hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu được số hóa của đơn vị được kiểm toán; quy định về an toàn, an ninh thông tin trong việc cung cấp, lưu trữ và khai thác thông tin dữ liệu. Bên cạnh đó, KTV có quyền yêu cầu các đơn vị được kiểm toán phải khai báo tính xác thực của các tài liệu được cung cấp.

Về hạ tầng công nghệ thông tin, KTNN chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng số, thực hiện số hóa mọi hoạt động kiểm toán. Tích hợp các dữ liệu tạo lập kho dữ liệu và các hệ thống cơ sở dữ liệu của KTNN thông qua thu thập từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ ngành, địa phương; dữ liệu thu thập từ các đơn vị được kiểm toán là các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, kết nối với cơ sở dữ liệu chung của các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, hướng tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, nhất quán, liên thông và dễ dàng chia sẻ để đảm bảo khả năng thích ứng với các thay đổi công nghệ số.

Việc xây dựng và phát triển phần mềm ứng dụng tập trung xây dựng phần mềm quản lý hoạt động kiểm toán, hỗ trợ thực hiện kỹ thuật kiểm toán cho từng lĩnh vực kiểm toán; đảm bảo toàn bộ việc quản lý, điều hành của ngành được tập trung, tích hợp, kết nối với các cơ sở dữ liệu hành chính quốc gia; xây dựng cổng thông tin điện tử ngành tạo môi trường trực tuyến thống nhất, tích hợp nghiệp vụ và các kênh thông tin khác.

Nhân lực thực hiện kiểm toán là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả của kiểm toán từ xa, vì vậy, đội ngũ KTV phải am hiểu, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán cũng như am hiểu về đặc thù hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị được kiểm toán. KTNN cần tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho đội ngũ nhân sự phục vụ kiểm toán từ xa, bao gồm: Kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng xác thực dữ liệu và phân tích, so sánh, tăng cường các kỹ năng tính toán, xử lý thông tin, đánh giá để phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm toán từ xa...

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá đề tài có tính cấp thiết, bắt kịp xu hướng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quy trình kiểm toán từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế. Đề tài cung cấp các giải pháp và điều kiện thực hiện kiểm toán từ xa, chỉ ra những rủi ro và thách thức của kiểm toán từ xa, giúp các KTV có biện pháp phòng ngừa và ứng phó.

ThS. Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, quy mô kiểm toán ngày càng lớn, loại hình kiểm toán đa dạng, các cuộc kiểm toán sẽ ngày càng dựa vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán để phân tích, thu thập bằng chứng kiểm toán. Do vậy, KTNN hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu lớn về đơn vị được kiểm toán để lưu trữ, tổng hợp, phân tích các dữ liệu nhằm phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán.

Luật KTNN số 81/2015/QH13 đã quy định về quyền hạn của Trưởng Đoàn KTNN: Khi thực hiện kiểm toán, được quyền truy cập, khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên Đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.

Kiểm toán từ xa góp một phần đắc lực trong việc sử dụng tiết kiệm, tăng cường hiệu quả nguồn lực, chống lãng phí nhân lực, tài chính, đồng thời góp phần xây dựng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Trong môi trường có thể phát sinh nhiều tình huống bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, kiểm toán từ xa cũng đảm bảo minh bạch tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia và khẳng định sự thượng tôn pháp luật.

TS. Đặng Thị Hoàng Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cho biết, trong những năm gần đây, KTNN đang từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp. Qua đó, nâng cao chất lượng kiểm toán, giảm thiểu thời gian, hạn chế ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến đơn vị được kiểm toán; tăng cường tính công khai, minh bạch của hoạt động kiểm toán.

Hiện tại, KTNN đã ban hành Hướng dẫn kiểm toán từ xa kèm theo Quyết định số 243/QĐ-KTNN ngày 21/02/2025. Để nâng cao cả về số lượng và chất lượng các kiểm toán từ xa, thời gian tới, tất cả các đơn vị cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả kiểm toán từ xa trên cơ sở hướng dẫn kiểm toán đã ban hành.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.

THÙY LÊ