Nâng “chất” thu hút đầu tư nước ngoài

Đầu tư - Ngày đăng : 10:15, 25/02/2019

(BKTO) - Không ai có thể phủ nhận, kết quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, trước một số bất cập, hạn chế phát sinh từ thực tế, việc định hướng cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI cho phù hợp với tình hình mới đang trở thành yêu cầu cấp thiết.


FDI là bộ phận quan trọng của nền kinh tế

Số liệu thống kê cho biết, tính lũy kế đến cuối tháng 01/2019, cả nước có 27.463 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18 - 25%.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ quan trọng của nền kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

Quá trình tổng kết, đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế sau đổi mới đã khẳng định thu hút FDI là một chủ trương đúng đắn và thành công của Đảng và Nhà nước. Bởi cùng với việc bổ sung nguồn vốn quan trọng vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực FDI còn thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực, bước đầu hình thành mối liên kết với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đóng góp cho NSNN, hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, năng suất lao động và trở thành một động lực của tăng trưởng kinh tế.

Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương trong thu hút, quản lý FDI, trong đó có việc xây dựng, đổi mới hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, tại nhiều hội nghị, hội thảo tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà quản lý đã nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng FDI thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực FDI đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút FDI chưa tương xứng. Một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Định hướng rõ để thu hút FDI chất lượng

Thực tế trên đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng FDI, gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Điều này một lần nữa được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới nhằm hoàn thiện Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” do Bộ KH&ĐT vừa tổ chức.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội DN và các chuyên gia soạn thảo Đề án trên.

Ban Soạn thảo xác định mục tiêu của Đề án là đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về FDI; đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế; phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, bất cập và rút ra các bài học kinh nghiệm. Đồng thời, Đề án cũng đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là xu hướng của các dòng vốn đầu tư quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng thu hút, sử dụng và quản lý FDI đến năm 2030.

Cụ thể, theo Dự thảo Đề án, định hướng thu hút FDI giai đoạn tới sẽ tập trung ưu tiên vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới; tập trung thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh... Tại Hội nghị, các đại biểu đã thể hiện sự đồng tình với định hướng thu hút FDI phù hợp với tình hình mới là lựa chọn các dự án thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội.

Chủ trì Hội nghị này, đồng thời cũng là người được Chính phủ giao trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án để ban hành Nghị quyết chuyên đề về FDI, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với động cơ chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương để thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019