Khắc phục “thẻ vàng”, đưa hải sản Việt vươn ra thế giới

Đầu tư - Ngày đăng : 10:25, 25/02/2019

(BKTO) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong vấn đề chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) đã được thực hiện một cách đồng bộ từ T.Ư tới địa phương, được EC ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai các giải pháp khắc phục vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu quyết liệt.


“Thẻ vàng” kìm hãm đường đi của mặt hàng hải sản

Năm 2019, mặt hàng hải sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng, với hàng trăm DN hải sản cùng tham gia vào lĩnh vực này, không phải là quá khó để thực hiện mục tiêu đó. Tuy vậy, cảnh báo “thẻ vàng” IUU mà EC phát đi đối với hoạt động khai thác hải sản tự nhiên của Việt Nam hồi tháng 10/2017 đã kìm hãm đường đi của các mặt hàng này sang thị trường châu Âu, với mức giảm từ 4 đến 20% giá trị xuất khẩu trong năm 2018. Ngay cả mặt hàng hải sản nổi tiếng của Việt Nam là cá ngừ cũng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bằng phân nửa năm 2017.

Theo VASEP, khi bị cảnh cáo “thẻ vàng” IUU thì 100% các lô hàng hải sản Việt Nam vào thị trường châu Âu sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, sẽ tốn thêm thời gian, chi phí và rủi ro cho DN. Chưa kể tác động từ Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ kéo theo những thị trường khác áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn. “Thẻ vàng” IUU đã khiến lượng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu giảm. VASEP dự báo, số lượng đó sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới tùy vào nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Chính phủ và các Bộ, ngành từ T.Ư tới địa phương.

Bộ NN&PTNT cho biết, dự kiến, tháng 4/2019, khi Luật Thủy sản và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan chính thức đi vào thực thi, phái đoàn của EC sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại một lần nữa kết quả của Việt Nam đã đạt được trong việc khắc phục “thẻ vàng”. Sau đó, EC sẽ xem xét có hay không việc gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam.

Cần sớm khắc phục các bất cập về kiểm tra, kiểm soát tàu cá

Bộ NN&PTNT cho biết, hơn 1 năm nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của EC với rất nhiều điều chỉnh chính sách trong hàng loạt nghị định, thông tư và chương trình hành động cho các tỉnh duyên hải theo các nội dung được IUU khuyến nghị, được xem là đã khá thành công. Theo đó, các thành viên của Ủy ban Nghề cá (thuộc Nghị viện châu Âu) trong chuyến xem xét thực tế ngành hải sản Việt Nam hồi cuối năm 2018 đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình chống khai thác IUU; đồng thời cho công bố các nhận định này trên hệ thống truyền thông đại chúng tại châu Âu.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, sau khi có sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, việc khắc phục “thẻ vàng” được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” vẫn còn nhiều bất cập và thiếu quyết liệt. Cụ thể, Bộ NN&PTNT vừa có đợt kiểm tra việc thực hiện các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” tại một số tỉnh miền Trung. Bộ nhận thấy, tại các địa phương này, việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng cập bến chưa đáp ứng được tiêu chí, nội dung kiểm tra theo quy định, còn nhiều sai sót; việc thu nộp sổ nhật ký khai thác hải sản chưa được thực hiện; tình trạng tàu cá không báo cáo theo quy định trước khi cập cảng vẫn diễn ra. Mặt khác, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên theo quy định còn chậm; đặc biệt, chưa có phương án, kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; cơ sở dữ liệu tàu cá và thống kê sản lượng cập bến đã có nhưng chưa hoàn thiện, đầy đủ; tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài còn tiếp diễn...

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, trong thời gian tới, cần phải triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC về chống khai thác IUU, đi đôi với triển khai Luật Thủy sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, quản lý nghề cá theo chuỗi. Đồng thời, các địa phương phải đảm bảo đầy đủ nguồn lực, vật lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; giải quyết có hiệu quả, dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tổng thể, bố trí kinh phí, nguồn lực để phổ biến, triển khai Luật Thủy sản; trong đó, đặc biệt tập trung thực hiện các quy định mới, các quy định về chống khai thác IUU như: lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chỉ được cập cảng chỉ định, ban hành danh sách tàu cá khai thác IUU; thực hiện nghiêm các quy định về nhật ký khai thác, cấp giấy phép theo hạn ngạch tàu cá, giấy phép đối với tàu hậu cần nghề cá, cơ sở dữ liệu tàu cá.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019