Cần quan điểm rõ ràng về thuốc lá mới
Xã hội - Ngày đăng : 16:07, 03/04/2025

Không thống nhất với quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7 mới đây, cho ý kiến về Dự thảo Luật Thuế TTĐB, các ĐBQH tiếp tục quan tâm đến vấn đề thuế với thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần có quan điểm thống nhất, rõ ràng về việc cho phép hay không cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới, để quy định chính sách đồng bộ trong Dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại Điều 12 đối với sản phẩm thuốc lá mới; có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về việc áp thuế TTĐB đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu quan điểm, hiện nay sản phẩm thuốc lá mới chưa được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Thuế TTĐB. Tuy nhiên, Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội đã quy định Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ nội dung quy định tại Điều 12 Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như Dự thảo Luật để bảo đảm xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để có thể triển khai thực hiện ngay trong trường hợp sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội - thống nhất với quy định chỉ áp dụng thuế TTĐB với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm từ cây thuốc lá như quy định hiện hành. Đại biểu đề nghị loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ra khỏi diện chịu thuế TTĐB.
Đại biểu Đỗ Thị Lan phân tích, hiện Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, trong đó nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Điều này thể hiện rõ quan điểm và quyết tâm của Nhà nước trong việc ngăn chặn tác hại mà các sản phẩm thuốc lá mới gây ra đối với sức khỏe người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Luật Thuế TTĐB hiện nay chưa có bất kỳ điều khoản nào đề cập đến thuốc lá mới. Do đó, việc giữ Điều 12 Dự thảo Luật TTĐB: "Giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam", là không phù hợp với chủ trương của Đảng về chăm sóc sức khoẻ nhân dân; không phù hợp với nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật được quy định tại Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và không thống nhất với quy định cấm thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng đã quy định tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội.
Cần sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá
Để thống nhất với hệ thống pháp luật về thuốc lá, tạo cơ sở pháp lý về phòng, chống tác hại thuốc lá, về đầu tư kinh doanh đối với thuốc lá cũng như các quy định về thuế đối với thuốc lá cũng như để giải quyết các vấn đề có vướng mắc đối với thuốc lá, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để có cơ sở pháp lý vững chắc trong việc giải quyết cũng như quy định các vấn đề liên quan đến thuốc lá và thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan đến thuốc lá.

Trên thực tế, việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong cộng đồng, đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên. ThS.BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt ở nhóm thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi. Theo khảo sát năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm này lên đến 7,3%.
“Đây là con số vô cùng đáng báo động. Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ hình thành một thế hệ trẻ nghiện nicotine từ rất sớm, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề sức khỏe, tâm lý và xã hội” - bà Hải nhấn mạnh.
Theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa đến 127 loại hóa chất cực kỳ độc hại, 153 loại gây nguy hiểm cho sức khỏe và 225 loại gây kích ứng.
Báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) trong năm 2023 cũng cho thấy, đã ghi nhận 1.224 ca ngộ độc cấp tính liên quan đến thuốc lá mới tại 700 cơ sở khám, chữa bệnh. Đây là hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, phải mất gần 10 năm mới giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá truyền thống ở nhóm thanh thiếu niên từ 5,36% xuống còn 2,78%, nhưng chỉ trong 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi. Nếu không kịp thời ngăn chặn, hệ lụy sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội; Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần thống nhất nhận thức, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế đồng bộ và hành động mạnh mẽ để ngăn chặn hiệu quả hệ lụy của thuốc lá thế hệ mới; bảo vệ sức khỏe cộng đồng.