Bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá

Xã hội - Ngày đăng : 15:54, 04/04/2025

(BKTO) - Để bảo đảm chặt chẽ, bao quát, tránh việc lợi dụng để nâng số lượng điếu trong từng bao thuốc lá, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20g/điếu.
202503260856540737_z81_5516.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường góp ý hoàn thiện quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Ảnh: TRỌNG QUỲNH

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, quá trình thảo luận Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là quy định thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá.

Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về đơn vị để tính mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu, tránh tình trạng tăng số lượng điếu trong một bao thuốc lá.

Về nội dung này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nêu rõ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói, tuy nhiên, chỉ giới hạn số lượng điếu tối thiểu phải có trong bao thuốc lá.

Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo đảm tính chặt chẽ, bao quát, tránh việc lợi dụng để nâng số lượng điếu trong từng bao thuốc lá, Dự thảo được chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20g/điếu.

Đối với các bao thuốc lá có số lượng khác 20 điếu hoặc xì gà có trọng lượng khác 20g/điếu, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để có phương án quy đổi tương ứng.

Góp ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) tán thành với việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20 gam/điếu. Đối với các bao thuốc lá có số lượng khác với quy định trên, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bày tỏ đồng tình cao với việc phải đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá để giảm việc tiêu dùng những sản phẩm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, để giảm tiêu dùng những sản phẩm này thì vấn đề nằm ở cách tính thuế.

Đại biểu Cường chỉ rõ, thuốc lá có 2 thuế. Một là thuế tuyệt đối, là thuế đánh trên bao thuốc, không cần biết giá trị bao nhiêu và hai là thuế tương đối. Đây là cách tính thuế khá tích cực để hạn chế tiêu dùng những sản phẩm giá rẻ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thuế tiêu thụ tuyệt đối hiện nay tính ra mức 10.000 đồng/1 bao thuốc lá sản xuất trong nước, trong khi giá xuất xưởng khoảng 6.000 đồng/bao. Như vậy, cộng cả thuế tuyệt đối, thuế tương đối thì tỷ lệ thuế trên giá thuốc lá bán ra trên 200% so với giá bán. Trong khi đó, một bao thuốc lá ngoại có giá đắt hơn (khoảng 50.000-60.000 đồng/bao) nhưng cũng chỉ bị đánh thuế 10.000 đồng/bao.

“Như vậy, người tiêu dùng thuốc lá nhập ngoại thì chịu mức thuế rất thấp, người tiêu dùng thuốc lá sản xuất trong nước chịu mức thuế rất cao. Vô hình chung, việc này không khuyến khích tiêu dùng trong nước mà khuyến khích tiêu dùng ngoại nhập, có thể dẫn tới nguy cơ nhập lậu” - đại biểu Cường lo ngại.

diendandoanhnghiepvn-media-uploaded-527-2024-07-17-thuoc-1688126539173818197817-1-17291554332161544755110.jpg
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là giải pháp hiệu quả nhằm tăng thu ngân sách, giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây nên. Ảnh: ST

Vì vậy, đồng tình việc đánh thuế tuyệt đối và thuế tương đối với sản phẩm thuốc lá nhưng đại biểu Cường đề nghị cần có mức cân đối giữa hai thuế suất này, tránh tình trạng khuyến khích tiêu dùng nhập ngoại, không dùng sản phẩm trong nước.

Trước đó, qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần quyết liệt trong áp thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, thuế TTĐB có chức năng định hướng hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Thực tế cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh rất tốt nhưng chi phí y tế tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh, trong đó có tiểu đường và bệnh phổi.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế TTĐB đối với thuốc lá; đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.

Đ. KHOA