Đà Nẵng có 1.021 dự án đầu tư FDI

Kinh tế - Ngày đăng : 11:48, 15/04/2025

(BKTO) - Tính đến thời điểm này, TP. Đà Nẵng có 1.021 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 4,573 tỷ USD.
l_dn_khu-cnc_screenshot-2025-04-15-101649.png
Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: ST

Trong đó, có 10 dự án được cấp mới quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 24.393 tỷ đồng, tăng hơn 220% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, có 6 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 50.613 tỷ đồng.

Đà Nẵng được đánh giá có vị trí địa lý chiến lược, dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và trên thế giới, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhất khu vực miền Trung với sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, đường cao tốc, 6 khu công nghiệp, 3 khu công nghệ thông tin, 1 khu công nghệ cao, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Với cơ cấu dân số trẻ, nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, là những lợi thế của Thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Kể từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong số các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc tốp đầu cả nước. Với việc áp dụng mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính và sự đồng hành của chính quyền Thành phố với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Đà Nẵng đã tạo dựng được niềm tin đối với doanh nghiệp và nâng cao vị thế của Thành phố trong công tác xúc tiến đầu tư.

Trong thời gian tới, cùng với việc phát huy các lợi thế, Đà Nẵng có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư. Thành phố xác định đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng hình thành các chuỗi cung ứng mới và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp tục thu hút vốn FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng; khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng khuyến khích và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đang có lợi thế, như: thương mại, dịch vụ logistics; công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; nghiên cứu và phát triển./.

TRẦN HUYỀN