Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thanh Hóa giảm 1,40%
Địa phương - Ngày đăng : 10:40, 15/01/2025

Kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 của toàn tỉnh giảm 1,40% (chỉ tiêu giao toàn tỉnh giảm 1,5%).
Kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024 nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2024, đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, cũng như giúp các cấp chính quyền triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Tính chung trong giai đoạn 2022 - 2024, tổng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,66% (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%, năm 2024 giảm 1,40%); bình quân giai đoạn 2022 - 2024 mỗi năm toàn tỉnh giảm 1,55%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và chỉ tiêu giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đa số các huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt chỉ tiêu của UBND tỉnh giao. Tuy nhiên, có 07 huyện báo cáo sơ bộ chưa đạt chỉ tiêu giảm hộ nghèo là Như Thanh, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước và Mường Lát đã ảnh hưởng đến kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh.
Có thể thấy, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa xác định tập trung giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn...
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời, song được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, các địa phương và nhân dân các hoạt động thuộc Chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong đó phải kể đến như: Hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh cơ bản đầy đủ; các khó khăn, vướng mắc cơ bản được giải đáp; cơ chế quản lý, điều hành được đảm bảo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; các dự án sử dụng vốn đầu tư công đã được phê duyệt và giải ngân đảm bảo tiến độ.
Một số dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp đã được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lồng ghép các hoạt động của Chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương../.