Tăng thuế thuốc lá - giảm tỷ lệ hút thuốc, tăng nguồn thu ngân sách
Xã hội - Ngày đăng : 10:48, 08/04/2025

Tăng thuế thuốc lá - bài học kinh nghiệm về giảm tỷ lệ hút thuốc
Trong nhiều năm qua, việc tăng thuế thuốc lá đã được nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thuốc lá gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khoẻ người sử dụng. Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 103 nghìn ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Các quốc gia như Philippines đã thành công trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc 30% (từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021) nhờ tăng thuế thuốc lá, đồng thời tăng doanh thu thuế lên 400%. Cụ thể, doanh số thu thuế thuốc lá của Chính phủ Philippines đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm, từ 680 triệu USD (năm 2012) lên 1,66 tỷ USD (năm 2013) và tiếp tục tăng lên 2,9 tỷ USD (năm 2022).
Nhiều quốc gia khác cũng đã áp dụng mức thuế thuốc lá cao (đạt 75% giá bán lẻ) để hạn chế tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số lượng các quốc gia áp dụng thuế tỷ lệ đang ngày càng giảm xuống (từ 45 quốc gia năm 2010 xuống còn 34 quốc gia năm 2022), trong khi đó, xu hướng chuyển đổi sang hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp (đánh cả thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) đang ngày càng tăng lên. Trong giai đoạn từ 2010-2022, số quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng từ 51 lên 64 quốc gia; số quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối cũng tăng từ 59 lên 70 quốc gia.
Khuyến nghị chính sách thuế thuốc lá cho Việt Nam
Với việc Quốc hội đang xem xét sửa đổi, điểu chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam đang có cơ hội quan trọng để giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách bằng cách thực hiện một chính sách thuế thuốc lá mạnh mẽ và hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế và WHO đưa ra khuyến nghị áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá, với mức thuế tuyệt đối đủ mạnh, tăng theo lộ trình rõ ràng và phù hợp với mức thu nhập; chuyển đổi từ hệ thống thuế tỷ lệ hiện tại sang hệ thống thuế hỗn hợp, bao gồm thuế tuyệt đối đủ mạnh để hạn chế tiêu dùng thuốc lá.
Phương án thuế do Bộ Y tế và WHO khuyến nghị là áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp bao gồm thuế tỷ lệ đạt 75% giá bán lẻ và thuế tuyệt đối tăng lên ít nhất 5.000 đồng mỗi bao thuốc vào năm 2026 và tăng dần theo lộ trình tới 15.000 đồng mỗi bao vào năm 2030 để đảm bảo giá thuốc lá không trở nên rẻ hơn theo thời gian.
Thuế tuyệt đối phải đủ mạnh để đảm bảo tác động đủ lớn và lâu dài. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy thuế hỗn hợp giúp giảm tiêu thụ thuốc lá đáng kể đồng thời tăng nguồn thu ngân sách ổn định. Định kỳ điều chỉnh mức thuế theo lạm phát và mức tăng thu nhập bình quân để duy trì hiệu quả chính sách trong dài hạn.
Cơ quan chuyên môn cũng đề nghị hướng nguồn thu thuế thuốc lá vào các chương trình y tế và phát triển xã hội. Trong đó, sử dụng nguồn thu từ thuế thuốc lá để tài trợ cho các chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa, truyền thông và điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá nhằm giảm chi phí y tế và gánh nặng bệnh tật cho quốc gia.
Chính sách thuế kết hợp với quản lý chặt chẽ không chỉ giúp giảm tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm có hại như thuốc lá mà còn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, phục vụ các mục tiêu y tế công cộng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung vào việc giáo dục và hỗ trợ nông dân và người lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá chuyển đổi việc làm sang các ngành bền vững hơn; xây dựng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, thân thiện với môi trường; cung cấp chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm mới trong các lĩnh vực công nghiệp xanh và nông nghiệp bền vững để đảm bảo sinh kế ổn định cho lao động trong ngành thuốc lá.
Việt Nam cũng cần tăng cường thực thi và kiểm soát buôn lậu thuốc lá. Củng cố hệ thống giám sát thị trường, tăng cường kiểm soát buôn lậu thuốc lá bằng cách sử dụng công nghệ theo dõi sản phẩm và các biện pháp pháp lý nghiêm khắc; phối hợp với các nước láng giềng để kiểm soát dòng chảy thuốc lá nhập lậu, đồng thời thực thi các quy định nghiêm ngặt về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá.
Hành động ngay bây giờ sẽ cứu sống hàng triệu người, bảo vệ thế hệ tương lai khỏi tác hại của thuốc lá và góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững hơn cho Việt Nam - cơ quan y tế nhấn mạnh.