Kỳ vọng tạo luồng sinh khí mới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 17/04/2025

(BKTO) - Giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu; chính sách ưu đãi thu hút nhân tài cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN)… là những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động KH,CN.
10-thay.jpg
Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đưa ra nhiều quy định nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động KHCN và ĐMST. Ảnh minh họa

Tạo cơ chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới, sáng tạo

Trình Dự án Luật tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST); để phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Mặc dù rủi ro được chấp nhận ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển; ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng

Đặc biệt, những quy định của Luật sẽ chính thức hóa những cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, để đưa thành quy định ổn định, lâu dài trong Luật.

Với quan điểm đó, Dự thảo Luật quy định, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Sự thông thoáng này sẽ đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. “Việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng. Đồng thời, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ hợp lý, tạo động lực nâng cao chất lượng KHCN” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hoá, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu để hoàn trả kinh phí vào ngân sách nhà nước, vốn là điểm nghẽn lớn kéo dài trong thời gian qua.

Việc tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hoá, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Việc giao kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cho tổ chức chủ trì về tổng thể sẽ tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu, tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động KHCN, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội - Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận định.

Đặc biệt, Dự thảo Luật đưa ra tiêu chí Nhà nước xác định nhân tài trong lĩnh vực KHCN và ĐMST và có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, giữ chân người tài trong lĩnh vực này. Trong đó, Dự thảo Luật bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, chính sách thưởng cho các nghiên cứu cơ bản, chính sách chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho nhân lực trong nước; cơ chế thỏa thuận lương, ưu đãi, tạo thuận lợi về giấy phép lao động, cấp thị thực để thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện nhiệm vụ KHCN trọng điểm tại Việt Nam…

Thể chế hóa đầy đủ các chính sách ưu đãi, vượt trội

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ hơn các chính sách ưu đãi, vượt trội, đặc thù trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, như thể chế hóa nội dung về “chấp nhận độ trễ” trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.

Dự thảo cũng cần thể chế hóa đầy đủ các chính sách nhằm tạo không gian mở, thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền tự do nghiên cứu và phát triển KHCN và ĐMST, quyền tự do kinh doanh trong ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; từ đó, làm động lực để thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, nội dung Dự thảo Luật cần tập trung vào những vấn đề cần thiết, xã hội cần, nhà khoa học cần và có thể triển khai được ngay. “Theo Nghị quyết số 193, chính Bộ KHCN đề xuất về việc hóa đơn chứng từ nếu cứ làm theo quy định thì không thể nào nhà khoa học thực hiện được nên phải bỏ. Luật này có giữ được như tinh thần Nghị quyết 193 hay không, để nhà khoa học tập trung nghiên cứu, sáng tạo, còn loay hoay thanh toán hóa đơn chứng từ thì không làm gì được hết” - Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ.

Quan tâm đến nội dung về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong thực hiện nhiệm vụ KH,CN, ĐMST và CĐS; ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển KH,CN được ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển KH,CN, Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi Dự thảo Luật quy định tới 6 quỹ. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có thể gom lại một số quỹ cần thiết nhằm bảo đảm các quỹ phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy phát triển KH,CN và ĐMST.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đối với phát triển KHCN thì chính sách về nguồn nhân lực phải là ưu tiên hàng đầu, bởi đây là yếu tố rất quan trọng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo bước đột phá theo tinh thần Nghị quyết số 57. Vì vậy, Dự thảo Luật cần có những cơ chế rất rõ ràng về thu hút nguồn nhân lực KHCN từ trí thức Việt kiều và người nước ngoài, vì đây là đối tượng rất đặc thù./.

Đ. KHOA