Bang Kerala, Ấn Độ: Hệ thống y tế đối mặt nhiều thách thức
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:58, 17/04/2025

Hệ thống y tế bộn bề thiếu thốn
Đoàn kiểm toán của CAG đã thực hiện rà soát các hồ sơ của ngành y tế bang Kerala trong giai đoạn 2016-2022; tập trung đánh giá sự sẵn có của nguồn nhân lực ngành y ở tất cả các cấp và công tác quản lý cơ sở hạ tầng y tế; đánh giá tình trạng cung ứng, quản lý thuốc, trang thiết bị và các vật tư khác. CAG cũng xem xét các nguồn tài chính dành cho y tế; tính phù hợp, hiệu quả của các cơ chế quản lý nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ ngành y và đánh giá việc chi tiêu của bang cho y tế nhằm cải thiện sức khỏe, đời sống của người dân theo Mục tiêu phát triển bền vững số 3.
Bang Kerala chưa xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Xếp hạng của Kerala về chỉ số y tế giảm từ hạng 1 xuống hạng 9 (2020-2021), tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao hơn mức trung bình của quốc gia.
Cuộc kiểm toán ghi nhận tình trạng thiếu bác sỹ ở tất cả các cấp bệnh viện thuộc hệ thống y học hiện đại. Tỷ lệ thiếu hụt nhân viên tham gia công tác xã hội trong lĩnh vực y tế dao động từ 3 - 33% tại 13/14 quận của Bang. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân mà còn gây áp lực lên nguồn lực sẵn có.
Bên cạnh đó, các Trung tâm Y tế gia đình thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực, ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao dịch vụ y tế với chi phí hợp lý. Số lượng bác sĩ tại khoa khám bệnh ngoại trú thiếu nhiều, trong khi đó, số lượng bệnh nhân luôn quá tải.
Ngoài ra, tình trạng thiếu thuốc và thiết bị y tế xảy ra ở nhiều nơi. Công ty TNHH Dịch vụ y tế Kerala (KMSCL) chưa đảm bảo cung ứng thuốc hiệu quả, kế hoạch về nhu cầu thuốc chưa phù hợp, gây ra tình trạng hết thuốc tại bệnh viện. 82% nhà cung cấp giao hàng trễ nhưng KMSCL chưa áp dụng biện pháp xử phạt, toàn bộ nguồn cung từ 14 nhà cung cấp không được kiểm tra trong giai đoạn kiểm toán.
Liên quan đến công tác quản lý y tế, CAG nhận thấy các quy định về cơ sở y tế chưa được thực thi hiệu quả, một số kho dự trữ máu hoạt động không có giấy phép, các cơ sở xử lý rác thải y tế quá tải, một số bệnh viện sử dụng thiết bị chụp X-quang không có giấy phép.
Kiến nghị để cải thiện hệ thống y tế
Từ các phát hiện kiểm toán, CAG đã đưa ra 15 kiến nghị nhằm cải thiện hệ thống y tế của Bang, trong đó, đề xuất Chính phủ cần đánh giá nhu cầu về bác sĩ và nhân viên y tế ở các cấp, các khu vực, đảm bảo đủ nhân lực theo IPHS; cần đưa ra biện pháp để giảm sự chênh lệch lớn về tỷ lệ bác sĩ so với dân số giữa các quận, tăng số lượng bác sĩ ở các khu vực có tỷ lệ thấp.
Đối với chất lượng dịch vụ y tế, CAG kiến nghị Chính phủ cần đảm bảo các dịch vụ y tế tối thiểu theo IPHS có sẵn ở tất cả các bệnh viện, bao gồm cả các tiện ích phục vụ bệnh nhân; đảm bảo bệnh viện có đầy đủ dịch vụ xét nghiệm, trang thiết bị và nhân lực để kịp thời điều trị.
Trong công tác cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế, CAG kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo KMSCL đảm bảo cung ứng thuốc cho bệnh viện, dựa trên nhu cầu thực tế nhằm tránh tình trạng thiếu thuốc; xây dựng hướng dẫn mua sắm trong tình huống khẩn cấp, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình nhằm đảm bảo hệ thống đấu thầu công phản ứng hiệu quả trong khủng hoảng; đảm bảo bệnh viện có đủ trang thiết bị y tế quan trọng, có hệ thống bảo trì thường xuyên.
CAG cũng đưa ra các kiến nghị nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng y tế như Chính phủ phải đảm bảo số lượng Trung tâm Y tế cộng đồng và Trung tâm Y tế cơ bản phù hợp với quy mô dân số theo IPHS; xác định và xử lý các dự án hạ tầng y tế chậm tiến độ, đảm bảo không có sự chậm trễ trong quá trình cấp phép, giải ngân vốn. Chính phủ cũng cần xây dựng kế hoạch hành động để tăng chi tiêu cho y tế của Bang, phù hợp với mục tiêu trong chính sách y tế quốc gia.
CAG nhấn mạnh việc xây dựng các cơ sở xử lý rác thải y tế mới, thiết lập cơ chế đánh giá lượng rác thải phát sinh nhằm đảm bảo xử lý đúng quy chuẩn; nhanh chóng xây dựng Kế hoạch hành động để đạt Mục tiêu phát triển bền vững số 3; cải thiện các chỉ số y tế quốc gia như giảm chi tiêu y tế cá nhân nhằm giảm gánh nặng tài chính cho người dân. Cơ quan Kiểm soát Dược phẩm cần xây dựng cơ chế giám sát và gia hạn giấy phép kịp thời cho các kho dự trữ máu, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên ngành y nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật./.
(Theo CAG)