Tổ chức thực hiện kiểm toán tại các đơn vị thực hiện mô hình chính quyền đô thị một cấp
Kiểm toán - Ngày đăng : 13:54, 17/04/2025
.jpg)
TS. Nguyễn Mạnh Cường - Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng, đảng ủy, đoàn thể làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cùng tham dự có các thành viên trong Hội đồng và Ban chủ nhiệm đề tài.
Theo CN. Dương Thùy Vân, hiện nay, nước ta có hai mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) trong phạm vi nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Mô hình tổ chức CQĐT một cấp đang được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng; mô hình tổ chức CQĐT hai cấp đang được áp dụng ở TP. Hà Nội.

Trong bối cảnh các địa phương có sự thay đổi lớn về cơ cấu, hình thức tổ chức, phân cấp điều hành, tổ chức, quản lý tài chính và ngân sách nhà nước so với mô hình trước đây, hoạt động kiểm toán của KTNN cũng cần có sự điều chỉnh tương ứng để bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quá trình kiểm toán. Theo đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã tập trung hệ thống hóa một số vấn đề cơ bản về mô hình tổ chức CQĐT một cấp của nước ta hiện nay, trong đó có tổ chức thực hiện thí điểm trên địa bàn TP. Đà Nẵng; cơ chế, chính sách tài chính, kế toán đơn vị áp dụng thay đổi theo mô hình tổ chức CQĐT một cấp; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố về quản lý tài chính, NSNN; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường...
Qua đó, Ban đề tài đã phân tích từng nhóm tác động đến các giai đoạn của quá trình kiểm toán trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương; đưa ra giải pháp tổ chức thực hiện kiểm toán chi tiết các đơn vị theo mô hình này nhằm làm rõ, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong quá trình kiểm toán.
Cụ thể: Việc thu thập tài liệu phù hợp với những đặc trưng riêng biệt của quá trình tổ chức, thực hiện của địa phương từ đó đưa ra phương pháp tiếp cận, thu thập tài liệu tương ứng; thay đổi cách tiếp cận, tập trung vào kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động (quá trình thực hiện dự toán và hiệu quả sử dụng ngân sách); trọng tâm kiểm toán sẽ chuyển từ kiểm toán thu - chi ngân sách sang kiểm toán việc quản lý, sử dụng dự toán do cấp trên giao, vì vậy, cần tập trung vào kiểm toán công tác quản lý và điều hành ngân sách và các hoạt động có liên quan của các đơn vị dự toán cấp I, cấp II…

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng khoa học đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần làm việc nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp và cập nhật các quy định, thông tin mới để đảm bảo tính thời sự cho đề tài. Nhóm tác giả đã phân tích, chỉ ra sự khác biệt trong các khâu thực hiện kiểm toán, từ đó đề xuất các phương án tổ chức thu thập thông tin, lựa chọn đơn vị, đầu mối kiểm toán cho phù hợp với đặc thù quản lý của CQĐT một cấp để đảm bảo hoàn thành được nội dung, mục tiêu của cuộc kiểm toán ngân sách địa phương trên tất cả phương diện; đưa ra một số hướng dẫn, gợi ý, giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc kiểm toán các đơn vị theo mô hình tổ chức CQĐT một cấp.
Ngoài ra, đề tài đã nghiên cứu và đề xuất mẫu Biên bản kiểm toán áp dụng cho Tổ kiểm toán ngân sách tại các quận, thị xã hoặc xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tổ chức CQĐT một cấp; và Biên bản kiểm toán tại phòng Tài chính áp dụng cho Tổ kiểm toán tổng hợp tại Sở Tài chính các tỉnh, thành phố hoặc phòng tài chính quận, thị xã thực hiện mô hình tổ chức CQĐT một cấp khi kiểm toán ngân sách địa phương.

Theo ThS. Trương Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, hiện nay, việc sáp nhập các tỉnh, không tổ chức cấp huyện đã triển khai nhằm giảm bớt sự cồng kềnh trong hệ thống hành chính, đồng thời hình thành mô hình quản trị tinh gọn, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay. Như vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức CQĐT là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.
Trong khi đó, quy trình kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN chưa hướng dẫn phương pháp tổ chức kiểm toán khi các đơn vị thực hiện mô hình tổ chức CQĐT một cấp. Qua đó cho thấy sự cần thiết phải đưa ra những giải pháp tổ thực hiện kiểm toán các đơn vị trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương khi áp dụng mô hình này để có sự toàn diện trong hệ thống hướng dẫn kiểm toán và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Từ thực tiễn đặt ra, ThS. Trương Hải Yến đề nghị Ban đề tài nghiên cứu bổ sung thêm các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân tương ứng trong tổ chức thực hiện kiểm toán mô hình này trong các năm trước đây tại KTNN khu vực III làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục nâng cao chất lượng kiểm toán; bổ sung lưu ý trong việc bố trí thời gian, nhân sự để kiểm toán cấp huyện theo mô hình tổ chức CQĐT một cấp do nội dung, phạm vi kiểm toán có khác biệt so với kiểm toán ngân sách địa phương thông thường.
Mô hình tổ chức CQĐT một cấp tại TP. Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, làm ảnh hưởng đến thực tế kiểm toán của KTNN. Để đề tài ứng dụng tốt hơn vào thực tiễn, Ban đề tài cần cập nhật thêm thông tin về sự thay đổi cơ cấu tổ chức của Thành phố sau sát nhập tỉnh Quảng Nam và cơ cấu lại tổ chức của các cấp trong khi Quảng Nam chưa áp dụng mô hình CQĐT một cấp để đánh giá những ảnh hưởng và thay đổi trong quá trình tổ chức kiểm toán, từ đó nhân rộng cách làm cho các thành phố khác có mô hình tương tự - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán khuyến nghị.

Đặc thù nổi bật của CQĐT một cấp là việc chuyển từ quản lý ngân sách theo mô hình “cấp ngân sách” sang quản lý ngân sách theo mô hình “đơn vị dự toán”, và hiện nay KTNN đã có hướng dẫn kiểm toán đối với cả 02 mô hình này. Vì vậy, các thành viên Hội đồng đề nghị Ban đề tài nghiên cứu so sánh làm rõ sự khác biệt của 02 mô hình; sự khác biệt hoặc đặc thù khi sử dụng mô hình “đơn vị dự toán” đối với các quận, phường so với các sở, ngành trực thuộc tỉnh (thậm chí có thể so sánh với các đơn vị dự toán trực thuộc bộ, cơ quan trung ương) để có kiến nghị phù hợp.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Xuất sắc.