Du lịch tăng trưởng ngoạn mục, sẵn sàng đón mùa cao điểm

Xã hội - Ngày đăng : 13:55, 17/04/2025

(BKTO) - Quý I/2025 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch, trong đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, với hơn 6 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần mang lại tổng thu toàn ngành lên 242.000 tỷ đồng. Đây là động lực quan trọng để ngành du lịch bứt phá tăng trưởng trong các tháng tiếp theo, đặc biệt là mùa cao điểm hè.
sua_16.jpg
Tăng cường hoạt động xúc tiến để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

Tăng trưởng tích cực, đón nhiều tin vui

Tiếp nối những kết quả đạt được năm 2024, ngay từ những ngày đầu năm 2025, ngành du lịch đã có những bứt phá ngoạn mục, khi tăng trưởng cao cả về lượng khách lẫn doanh thu. Tổng số khách du lịch quý I/2025 đạt 41,52 triệu lượt, với tổng thu đạt 242.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với quý I/2024 và tăng 134% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng khách quốc tế trong một quý cao kỷ lục của ngành du lịch từ trước đến nay.

Năm 2025, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120-130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu khoảng 980.000-1.050.000 tỷ đồng, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên.

Góp chung vào kết quả của toàn ngành du lịch thời gian qua là nhờ sự tăng trưởng “đều tay” của các địa phương, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm khi đón lượng khách quốc tế rất lớn so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm sáng khi đón hơn 1,6 triệu lượt khách, tăng 18,2%; tổng thu du lịch đạt 56.662 tỷ đồng, tăng 26,7%. Hà Nội đón 1,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,4%; tổng thu từ du khách ước đạt 29.930 tỷ đồng. Ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ khi khách quốc tế đạt gần 1,2 triệu; tổng thu du lịch ước đạt 13.200 tỷ đồng... “Sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượt khách, cũng như doanh thu sẽ là động lực quan trọng để ngành du lịch tiếp tục bứt phá trong thời gian tới” - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho biết; đồng thời dự đoán với kết quả này, mục tiêu đặt ra năm nay của ngành du lịch là hoàn toàn khả thi.

Một động lực khác của ngành du lịch, đó là quý I/2025, hầu hết các thị trường đưa khách đến Việt Nam đều tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Thị trường châu Âu tăng trưởng hai con số, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 như Ba Lan, Thụy Sỹ… Bên cạnh đó, nhiều điểm đến của Việt Nam liên tục được vinh danh ở các hạng mục, giải thưởng uy tín về du lịch quốc tế cũng góp phần chung vào nỗ lực bứt phá của ngành du lịch hiện nay. “Những kết quả và tín hiệu vừa qua đã chứng minh cho nhận định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn với du khách; đồng thời cho thấy dư địa phát triển của ngành còn rất lớn” - ông Vũ Thế Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

Đổi mới công tác xúc tiến, gắn với xây dựng sản phẩm độc đáo

Bày tỏ lạc quan với những kết quả ngành du lịch đạt được trong thời gian qua, song các ý kiến cũng cho rằng, điều cần làm với toàn ngành du lịch và các địa phương, ngành có liên quan lúc này, đó là kiên định thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung cao độ vào công tác xúc tiến, quảng bá và chú trọng phát triển sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.

Thể hiện sự năng động, “đón sóng” cùng ngành du lịch, ngành đường sắt đã và đang nỗ lực đổi mới không ngừng dịch vụ để mang đến những trải nghiệm khác biệt, mới lạ cho du khách từ phương thức vận tải quen thuộc. Dịp này, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức đôi tàu mang tên “Đoàn tàu Thống nhất” được thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) hứa hẹn sẽ tạo trải nghiệm mới cho du khách. “Các chuyến tàu không đơn thuần chỉ là phương tiện vận tải, mà còn là trải nghiệm trên hành trình khám phá điểm đến Việt Nam” - Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh cho biết thêm rằng đơn vị đang hợp tác với nhiều địa phương, doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch.

Từ góc độ địa phương, để đạt mục tiêu đón 31 triệu khách du lịch trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục ra mắt những sản phẩm du lịch mới; nâng cấp các sản phẩm truyền thống. Trong đó, thành phố tập trung vào các sản phẩm du lịch: Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội; mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn… Đặc biệt, theo Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội Đặng Hương Giang, xác định công tác xúc tiến du lịch đóng vai trò rất quan trọng, Hà Nội “sẽ tiếp tục đẩy mạnh kích cầu, quảng bá thông qua các hành trình trải nghiệm di sản, làng nghề đặc sắc có chiều sâu để thu hút du khách” - bà Giang cho biết.

Là điểm đến quen thuộc với du khách quốc tế, năm 2025, tỉnh Quảng Ninh dự kiến tổ chức 170 chương trình, sự kiện văn hóa, du lịch, diễn ra tập trung từ tháng 4 đến tháng 9. Trong đó, có 24 chương trình, sự kiện quy mô quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều sự kiện lớn, lần đầu tiên được tổ chức hứa hẹn sẽ thu hút lượng lớn khách quốc tế tham dự. Đẩy mạnh chương trình kích cầu, Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương cũng chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, an ninh, an toàn, thực hiện niêm yết giá công khai và minh bạch trong chính sách kinh doanh. Bởi, theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành, nếu điểm đến mới là yếu tố giúp thu hút du khách, thì chất lượng dịch vụ, sự an toàn là “chìa khóa” để giữ chân du khách.

Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm góp phần vào tăng trưởng kinh tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, trong đó yêu cầu các địa phương, cơ quan chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Chú trọng phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch golf... Đồng thời, cần “tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt của từng địa phương trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch” - Chỉ thị nêu rõ./.

N.LỘC