Sửa Luật Thanh tra để đáp ứng yêu cầu sắp xếp bộ máy, khắc phục chồng chéo

Pháp luật - Ngày đăng : 14:18, 17/04/2025

(BKTO) - Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, với nhiều thay đổi quan trọng. Những sửa đổi này tập trung vào việc kiện toàn tổ chức thanh tra, cải tiến quy trình hoạt động và nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan, nhằm tránh chồng chéo, khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thi hành.
dsc_3489.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Ngày 17/4, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Tiến Đạt chủ trì Hội thảo hoàn thiện Luật Thanh tra.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo cơ quan thanh tra các Bộ, ngành, địa phương. Đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước tham dự Hội thảo.

Nhiều điểm mới của Luật Thanh tra sửa đổi

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), TTCP đã phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng dự thảo mới theo trình tự, thủ tục rút gọn.

dsc_3450.jpg
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt phát biểu trao đổi, giải đáp ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Theo Phó Tổng TTCP Lê Tiến Đạt, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra nhằm thể chế hóa việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 02 cấp Trung ương và địa phương.

Làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, mối quan hệ công tác của hệ thống thanh tra các cấp, giữa TTCP với thanh tra các Bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Thanh tra nhằm khắc phục bất cập, chồng chéo trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra trong thời gian qua.

dsc_3480.jpg
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP) Trần Đăng Vinh thông tin về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Ảnh: N.Lộc

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP) Trần Đăng Vinh, việc sửa đổi Luật Thanh tra cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra.

Theo ông Vinh, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của TTCP trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, dự thảo cũng có những điều chỉnh quan trọng về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra khác.

Theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan thanh tra gồm: TTCP; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Cơ yếu và Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Một trong những điểm đáng chú ý là việc dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) liệt kê cụ thể hơn các cơ quan thanh tra ở cấp Trung ương, đặc biệt là các cơ quan được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, các đơn vị như Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam và Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước được xác định rõ ràng là các cơ quan thanh tra thuộc diện này. Sự thay đổi này cho thấy sự chú trọng hơn đến vai trò và vị thế pháp lý của các cơ quan thanh tra chuyên ngành đặc thù ở cấp quốc gia.

Dự thảo Luật cũng có những điều chỉnh về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, bao gồm cả việc gia hạn thời hạn thanh tra trong các trường hợp phức tạp và đặc biệt phức tạp. Dự thảo cũng quy định cụ thể về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra và với cơ quan kiểm toán nhà nước.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về căn cứ tiến hành thanh tra lại, bao gồm các trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kết luận thanh tra trái thẩm quyền, có vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục, có sai lầm trong áp dụng pháp luật, nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với chứng cứ, người tiến hành thanh tra có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cơ quan cấp trên phát hiện dấu hiệu vi phạm chưa được làm rõ.

Nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật

Theo các đại biểu tại Hội thảo, những điểm mới trong dự thảo Luật Thanh tra thể hiện quyết tâm cao của Nhà nước trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu quả công tác này.

Với những quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, Luật Thanh tra (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

dsc_3460.jpg
Đại diện lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước tham dự Hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Góp ý vào dự thảo Luật Thanh tra, KTNN đề nghị trong quá trình sửa Luật, TTCP cần rà soát, bổ sung các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định tại Điều 4 Quy định số 131/QĐ-TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời có góp ý cụ thể nhiều nội dung được nêu trong dự thảo Luật Thanh tra, như thẩm quyền ra quyết định thanh tra; quy định về trường hợp thanh tra lại; thời gian gửi dự thảo kết luận thanh tra… 

Tại hội thảo, các ý kiến cũng thẳng thắn nêu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật. 

Theo Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng, trong Luật không quy định về Thanh tra của Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước, vậy việc thực hiện của các cơ quan thanh tra này như nào?

dsc_3522.jpg
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng trao đổi tại hội thảo. Ảnh: N.Lộc

Ông Phan Văn Bé - Phó Chánh thanh tra Bộ Công an cơ bản đồng tình với dự thảo Luật Thanh tra, song Luật cần quy định chung về thanh tra Công an nhân dân để tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra trong lực lượng công an nhân dân nói chung, không riêng Thanh tra Bộ Công an trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Trao đổi tại Hội thảo, Phó Tổng TTCP Lê Tiến Đạt đã trực tiếp giải đáp câu hỏi của các đại biểu.

Trong đó, liên quan đến dự thảo Luật Thanh tra được rút gọn nhiều nội dung; nhiều vấn đề được đề cập trong Luật Thanh tra hiện hành không được thể hiện trong dự thảo Luật lần này, Phó Tổng TTCP thông tin, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định. “Điều này lý giải việc Luật Thanh tra lược bỏ đi rất nhiều điều để chuyển một số nội dung đó sang quy định trong Nghị định của Chính phủ” - Phó Tổng TTCP cho biết.

Phó Tổng TTCP cũng khẳng định các vấn đề được đại biểu nêu, TTCP sẽ nghiên cứu tiếp thu để sớm hoàn thiện dự thảo Luật trình Chính phủ, trước khi gửi đến Quốc hội.

N.LỘC