Hợp tác xã công nghệ cao cũng mỏi mòn… chờ vốn
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 18:05, 17/04/2025

Có phương án kinh doanh khả thi cũng… khó tiếp cận vốn
Nắm giữ bí quyết công nghệ chế biến độc đáo, hứa hẹn có thể thay đổi điều kiện sản xuất, canh tác nông nghiệp, Hợp tác xã nông sản sạch Việt Nam được thành lập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để hiện thực hóa mong muốn hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ người nông dân thay đổi thói quen sản xuất thủ công.
Thế nhưng, những dự định ấp ủ của những người đứng đầu HTX - vốn là các doanh nhân trẻ nhanh chóng bị “dội gáo nước lạnh”, khi HTX gõ cửa khắp nơi vẫn không thể vay vốn.
Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do ngân sách nhà nước cấp, với vốn điều lệ đến thời điểm hiện tại là 1.000 tỷ đồng đóng vai trò cung cấp nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ HTX phát triển. Tuy nhiên, vì nhiều lí do nên đến nay, vẫn còn nhiều HTX chưa thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
Nguyên nhân, theo đại diện HTX này là do các tổ chức cho vay, bao gồm cả Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho rằng, HTX mới thành lập, chưa có kinh nghiệm nên không thể vay vốn.
“Họ hứa hẹn phải 01 năm sau chúng tôi quay lại, họ sẽ xem xét. Còn trước mắt, chúng tôi không thể làm gì nếu không có vốn. Vậy trong 1 năm này, chúng tôi sẽ làm gì, người nông dân sẽ làm gì, rồi còn bao cơ hội mất đi” - đại diện HTX trăn trở; đồng thời cho biết thêm HTX đã cung cấp phương án kinh doanh khả thi song cũng không được quan tâm.
Chưa kể, trước khi thành lập HTX này, nhiều thành viên của HTX còn trực tiếp tham gia quản lý một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chuối hàng đầu trên thị trường, khi sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Câu chuyện khó khăn trong tiếp cận vốn của một HTX cũng là bức tranh chung mà nhiều HTX đang phải đối mặt, dù đây là đối tượng được ưu tiên trong tiếp cận vốn. Mặt khác, các nguồn cho vay đối với HTX hiện khá đa dạng, như nguồn vay từ ngân hàng chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia, quỹ hỗ trợ HTX… nhưng, nói như đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) “đây lại là khu vực có tỷ lệ tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng khá nhỏ bé và có xu hướng giảm trong vài năm gần đây…”.
Thực tế cho thấy, vấn đề tiếp cận vốn từ lâu đã được xem là “điểm nghẽn” lớn nhất cản trở sự phát triển của các HTX tại Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, các quỹ hỗ trợ phát triển HTX, chương trình cho vay từ các ngân hàng thương mại, song trên thực tế, phần lớn HTX vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân chính nằm ở việc nhiều HTX chưa có tài sản bảo đảm (dù quy định pháp luật, đặc biệt là Luật HTX hiện hành đã tháo gỡ vấn đề này, khi không yêu cầu HTX phải có tài sản đảm bảo để được vay vốn), thiếu minh bạch trong tài chính, năng lực quản trị còn hạn chế, mô hình hoạt động chưa rõ ràng...
Nhiều ngân hàng vẫn còn e ngại khi cấp tín dụng cho khu vực này bởi rủi ro cao và thiếu cơ sở pháp lý để kiểm soát dòng tiền. Mặt khác, thủ tục vay vốn còn rườm rà, yêu cầu hồ sơ phức tạp khiến các HTX - vốn có năng lực quản lý yếu - càng gặp khó khăn hơn khi muốn tiếp cận dòng vốn chính thức.
Không nên cứng nhắc, rập khuôn trong xét điều kiện cho vay
Giải quyết bài toán vốn cho khu vực HTX đòi hỏi một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ từ thể chế, tín dụng, tư vấn pháp lý và xúc tiến thương mại theo đúng tinh thần đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Có như vậy, HTX mới có thể thật sự “chuyển mình" và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Tại Hội nghị Hỗ trợ HTX tiêu biểu nâng cao năng lực tiếp cận vốn vay, kết nối giao thương và chuyển đổi số diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, các Bộ, ngành và địa phương cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, không chỉ dừng lại ở vai trò quản lý mà phải chủ động “kiến tạo” môi trường phát triển thuận lợi cho HTX.
Trong đó, "Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cần tiếp tục cải tiến thủ tục cho vay theo hướng gọn, nhanh, minh bạch hơn” - bà Linh nhấn mạnh.
Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia nông nghiệp đề cập, khi cho rằng các địa phương, cơ quan có thẩm quyền, tổ chức đại diện HTX cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, tránh gây khó khăn cho HTX.
Cụ thể, để HTX thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn vay, Liên minh HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và các tổ chức liên quan tăng cường công tác hỗ trợ cho HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác trong việc nâng cao năng lực về tổ chức và tài chính đảm bảo các điều kiện vay vốn. Cùng với đó, các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là các HTX quy mô nhỏ cần đảm bảo việc điều hành, quản lý tài chính an toàn, hiệu quả, minh bạch, sổ sách báo cáo tài chính đầy đủ, đúng quy định.
Việc tháo gỡ bài toán về vốn không chỉ giúp HTX phát triển bền vững mà còn góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và hiện đại hóa khu vực nông thôn
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Thị Hoài Linh
Theo ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), Luật HTX năm 2023 đã có hiệu lực, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Một điểm nổi bật là quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các HTX tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành gắn với kinh tế xanh, tuần hoàn và tri thức. Đặc biệt, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc thụ hưởng chính sách chung còn được ưu tiên tiếp cận vốn, giống, công nghệ khi chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bền vững.
Do đó, các tổ chức kinh tế tập thể, HTX cần chủ động nghiên cứu, triển khai Luật HTX năm 2023 và các văn bản hướng dẫn, đồng thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ, nhất là về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị từ nguồn vốn đầu tư công.
Đặc biệt, khi cơ sở pháp lý đã cơ bản đầy đủ và HTX chứng minh được năng lực, các cơ quan có thẩm quyền, địa phương, tổ chức cho vay cần bám sát chủ trương và có hướng giải quyết phù hợp, tránh gây khó khăn cho HTX.

Nêu giải pháp về vấn đề này, nhiều HTX cũng đề xuất: Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù dành cho các HTX để phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước; đồng thời, xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan và các ngân hàng thương mại cắt giảm điều kiện, thủ tục không cần thiết khi HTX có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương án thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay; thời gian vay vốn dài để bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh...
“Các địa phương, cơ quan phải đặt mình vào vị trí của người dân, của HTX để hành động, đặc biệt là phải ưu tiên các HTX công nghệ cao, không nên cứng nhắc, rập khuôn dẫn đến làm lỡ cơ hội phát triển của HTX” - đại diện một HTX nêu.