Thoát nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn chính sách

Xã hội - Ngày đăng : 10:01, 18/04/2025

(BKTO) - Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
1(5).jpeg
Nông dân huyện Sơn Tịnh đầu tư mô hình nuôi dúi từ nguồn vốn chính sách. Ảnh: TS

Hơn 10.000 lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 31/3/2025, tổng nguồn vốn tín dụng toàn tỉnh đạt hơn 5.880 tỷ đồng, tăng hơn 165 tỷ đồng so với năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng 2,9%. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về hơn 4.516 tỷ đồng; nguồn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất hơn 702 tỷ đồng, tăng 5,6 tỷ đồng so với năm 2024 và nguồn vốn cân đối tại địa phương hơn 670 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng nguồn vốn, tăng 161 tỷ đồng so với năm 2024, đạt 161,7% kế hoạch giao.

Bám sát phương châm hoạt động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững”, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã luôn đồng hành để kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với nguồn vốn tín dụng chính sách, tích cực triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả trong công tác tham mưu huy động nguồn lực, để đảm bảo đủ nguồn vốn giải ngân kịp thời đến khách hàng vay vốn.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, vốn tín dụng chính sách đã giúp 10.086 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, với doanh số cho vay 577 tỷ đồng, tập trung chủ yếu các chương trình như: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ mới thoát nghèo; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tính đến hết 31/3/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 5.878 tỷ đồng/105.349 khách hàng còn dư nợ, tăng hơn 162 tỷ đồng so với năm 2024, tăng 2,84%, đạt 56% kế hoạch tăng trưởng giao năm 2025.

Giúp hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh

Việc phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, giúp hộ nghèo tạo sinh kế ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tịnh Châu (TP. Quảng Ngãi) cho biết, toàn xã có khoảng 100 hộ nông dân vay vốn trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ linh hoạt luân canh, gối vụ trồng bắp, rau màu trên từng chân đất mà nông dân xã Tịnh Châu có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình trồng rau diếp cá sử dụng trụ bê tông cốt thép và phủ bạt che nắng cho rau đem lại năng suất cao, được nông dân áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi vốn lớn, chi phí bình quân khoảng 10 triệu đồng/sào. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH mà nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rau. Toàn xã hiện có hơn 40ha rau diếp cá, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân địa phương.

3(1).jpg
Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ đã đầu tư vườn ươm cây giống đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ST

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Sơn Tịnh có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Trao đổi với báo chí, anh Lê Công Từ Duy (xã Tịnh Hà) cho biết, năm 2019, anh chọn hướng phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi dúi. “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, tôi có điều kiện đầu tư chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dúi. Đến nay, đàn dúi đã hơn 500 con, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình” - anh Duy cho biết.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (xã Tịnh Hà) thuộc hộ nghèo của địa phương. Năm 2012, bà Nhung được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay số tiền 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để chăn nuôi lợn, bò. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình tôi có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế và thoát nghèo vào năm 2022” - bà Nhung chia sẻ.

Để đạt mục tiêu đề ra và tiếp tục giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhanh, hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; tập trung triển khai kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2025; quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục chỉ đạo cấp hội cơ sở nâng cao trách nhiệm, thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn.

“Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu cho Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh quản lý hoạt động của các phòng giao dịch cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính; đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc bàn giao các tổ tiết kiệm vay vốn, quản lý hồ sơ, sổ sách,… đảm bảo theo đúng quy định” - ông Võ Phiên yêu cầu./.

LÊ HÒA