Bắc Kạn: Giảm nghèo bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương

Địa phương - Ngày đăng : 08:51, 18/04/2025

(BKTO) - Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Với tổng số vốn được giao hơn 3.900 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 67,3%. Việc triển khai thực hiện các Chương trình đã có nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững

Những năm gần đây, công tác giảm nghèo tại tỉnh Bắc Kạn có kết quả tốt, trung bình từ 2% - 2,5%/năm. Các huyện nghèo giảm mạnh hơn từ 4% - 5% .

Riêng năm 2024, toàn tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho 8.500 người, đạt 132,8% kế hoạch; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.622 người, đạt 231,7% kế hoạch; tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 10.000 người, đạt 125% kế hoạch; tuyển sinh và đào tạo là 11.400 người, đạt 190% kế hoạch; tiếp nhận 1.412 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, ban hành quyết định cho 1.405 người với tổng số tiền chi trả hơn 21,4 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân và hoạt động đào tạo nghề... Nguồn lực nhà nước và xã hội hóa đã có tác động tích cực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ các chính sách này, cộng với sự nỗ lực của người dân, kết thúc năm 2024, số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 2,49%; tỷ lệ hộ nghèo thuộc các huyện nghèo giảm hơn 4,1% (giảm từ 46,61% xuống còn 42,44%)...

vuon-cay.jpg
Kết thúc năm 2024, số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh Bắc Kạn giảm 2,49%. Ảnh: TS

Để tiếp tục duy trì và đẩy mạnh kết quả này, tỉnh Bắc Kạn đã phân bổ nguồn lực vào 7 dự án thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững:

1. Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo;

2. Đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo;

3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng;

4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững;

5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo;

6. Hỗ trợ truyền thông và giảm nghèo về thông tin;

7. Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá chương trình.

Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn 17,27%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn lên kế hoạch triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với tổng nguồn vốn 215 tỷ đồng, dự kiến hơn 1.800 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được hưởng lợi từ các chính sách này.

Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), Ban Chỉ đạo các cấp cần tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn để làm tốt hơn với những mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt; tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt, phấn đấu đạt các mục tiêu Quốc hội giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, đào tạo nghề và tạo môi trường thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập.

Quan tâm đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng nông thôn

lop.jpg
Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học ở khu vực nông thôn được đầu tư ngày càng đồng bộ và hoàn thiện. Ảnh: TS

Nhờ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được quan tâm đầu tư nâng cấp, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, kết nối với đô thị.

Hiện nay, nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Đến hết năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đã có 1.286,76 km trong tổng số 1.527,18 km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa (chiếm 84,26%); có 1.216,54 km trong tổng số 1.874,076 km đường liên thôn được cứng hóa (chiếm 64,91%); có 659,14 km trong tổng số 1.445,359 km đường ngõ, xóm được cứng hóa (chiếm 45,6%); 1.199,92 km trong tổng số 2.150,123 km kênh mương được kiên cố hóa (chiếm 55,8%); có 98,33 km trong tổng số 664,15 km đường trục chính nội đồng được cứng hóa (chiếm 14,8%)...

Công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khai thác và đảm bảo an toàn; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt trên 90%.

Mạng lưới điện nông thôn tiếp tục được mở rộng; tỷ lệ hộ dân có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt khoảng 96%.

Hệ thống trường, lớp, trang thiết bị dạy học ở khu vực nông thôn được đầu tư ngày càng đồng bộ và hoàn thiện; toàn tỉnh hiện có 133/281 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 47,33% tổng số trường.

Hệ thống thiết chế nhà văn hóa xã, thôn cơ bản được lắp đặt các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Toàn tỉnh có 79/95 xã có nhà văn hóa, trong đó có 66/71 nhà văn hóa xã đạt chuẩn, 653/1.060 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn.

doi-song.jpg
Hiện nay, Toàn tỉnh Bắc Kạn có 79/95 xã có nhà văn hóa, trong đó có 66/71 nhà văn hóa xã đạt chuẩn. Ảnh: TS

Hệ thống tổ chức y tế cơ sở được củng cố và hoạt động hiệu quả, các trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân.

Hạ tầng công nghệ thông tin, mạng lưới bưu chính công ích được đầu tư đảm bảo thông suốt, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Toàn bộ số xã đã được cài đặt và sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc gắn với ứng dụng chữ ký số và phần mềm "Một cửa điện tử" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Hạ tầng thông tin truyền thông được phủ sóng rộng rãi; 100% xã, phường, thị trấn và 97% (1.250/1.292) thôn, bản được phủ sóng di động; 100% đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính; số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 355.492 thuê bao; số thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) đạt 293.080 thuê bao (chiếm 89,9% dân số).

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn đã góp phần hoàn thành nhiều chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 28 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 82 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG, tỉnh Bắc Kạn đã và đang trực tiếp tham gia các đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện các Chương trình tại các huyện, thành phố để kịp thời phối hợp, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án./.

Theo Quyết định cuả Kiểm toán nhà nước (KTNN) về kiểm toán chuyên đề, Bắc Kạn là một trong 18 tỉnh được thực hiện kiểm toán Chuyên đề Chương trình “Hỗ trợ thực hiện hai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020” (chương trình PforR).

Nội dung kiểm toán tập trung vào việc quản lý và sử dụng kinh phí của Chương trình; việc tuân thủ chính sách, chế độ, pháp luật của Nhà nước; công tác quản lý, chỉ đạo, phối hợp thực hiện Chương trình; tình hình thực hiện mục tiêu Chương trình; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của Chương trình.

THẢO CHI