Bình Định: Quyết liệt triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá
Xã hội - Ngày đăng : 16:04, 18/04/2025
Kết quả tích cực nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp
Nhờ đó, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Bình Định, hằng năm, Sở Y tế tỉnh Bình Định căn cứ vào các văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế để tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện. Cùng với đó, hầu hết các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá của đơn vị để triển khai hoạt động.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; tổ chức hội nghị, hội thảo, các buổi tập huấn để tuyên truyền, triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá…

Đặc biệt, việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá theo quy định đã được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện và thu được những kết quả khích lệ. Nhiều đơn vị, địa phương đã đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào tiêu chí thi đua để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, tạo được những hành động tích cực để triển khai tốt công tác này.
Theo dữ liệu điều tra cộng đồng về thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Bình Định năm 2024, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi đối với nam giới trên địa bàn tỉnh Bình Định là 33,2%; nữ giới 0,2%; tỷ lệ trung bình là 16,7%. So với điều tra năm 2022 (nam giới 43,4%, nữ giới 0,3%; tỷ lệ trung bình 21,9%), các tỷ lệ của năm 2024 đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ dữ liệu điều tra, việc sử dụng thuốc lá vẫn còn phổ biến, nhất là tại nơi công cộng. Hơn nữa, tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên có xu hướng ngày càng gia tăng, độ tuổi hút thuốc lá cũng sớm hơn. Bên cạnh đó là thói quen hút thuốc lá nơi công cộng, ý thức của người dân chưa cao…
Đáng chú ý, tình trạng nhập lậu thuốc lá ngoại vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Gần đây nhất, ngày 11/3/2025, Công an tỉnh Bình Định đã phát hiện, bắt giữ 5.220 bao thuốc lá ngoại nhập lậu trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước; ngày 09/4/2025, Công an tỉnh Bình Định phối hợp với Công an huyện Phù Mỹ phát hiện, bắt giữ 2 vụ buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu, thu giữ 12.700 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu...
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng môi trường không khói thuốc
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2030, Bình Định giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên duy trì hoặc giảm dưới 0,2%. Đồng thời, duy trì và giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc dưới 25%; tại nhà hàng dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn dưới 42%.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, tỉnh Bình Định tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; lấy kết quả thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá hằng năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia, giám sát thực hiện công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Cùng với đó, tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng và phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng trong việc vận động, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá./.