Ninh Bình: Tạo động lực phát triển từ các khu công nghiệp

Địa phương - Ngày đăng : 16:09, 10/04/2025

(BKTO) - Xác định công nghiệp là động lực nền tảng của nền kinh tế, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển, mở rộng các khu công nghiệp (KCN) nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế.

Phát triển khu công nghiệp nhiệm vụ trọng tâm

ninh-binh-xay-dung-cac-khu-cong-nghiep-tro-thanh-trong-diem-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-060451115.jpg
Một góc Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn)

Từ rất sớm, tỉnh Ninh Bình đã nhận diện, xác định phát triển các KCN là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Đây là chủ trương rất quan trọng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, từ đó đã tạo sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, dịch vụ nói riêng và những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.

Ninh Bình hiện có 7 KCN với tổng diện tích 1.472 ha. Đến nay đã có 5 KCN đã đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. Hiện đã có 120 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 65.485 tỷ đồng, sử dụng trên 36.000 lao động. Các chỉ số về tốc độ lấp đầy, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án KCN của tỉnh ở mức khá so với các KCN trong cả nước và khu vực.

Các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình phần lớn là các dự án có quy mô lớn như Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG. Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy sản xuất camera môđun và linh kiện điện tử MCNEX VINA, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy HTMV số 2 của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam...

Việc xây dựng, phát triển các KCN của Ninh Bình thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nên sự tăng trưởng nhanh, bền vững kinh tế - xã hội tỉnh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành công nghiệp, đặc biệt Ninh Bình đã trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn nhất của cả nước.

Mở rộng các khu công nghiệp thế hệ mới

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu bật quan điểm phát triển của tỉnh là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ cụ thể là hình thành hệ thống các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sự phát triển bền vững gắn với phát triển đô thị - dịch vụ; tạo mối liên kết phát triển giữa công nghiệp của tỉnh với vùng Bắc Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo định hướng quy hoạch, toàn tỉnh có 11 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.813 ha. Theo đó, đến năm 2025, Ninh Bình tập trung thu hút nhà đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng KCN Tam Điệp II, KCN Phú Long. Đến năm 2030 thu hút được nhà đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng KCN Gián Khẩu II. Trong đó, KCN Phú Long và KCN Gián Khẩu sẽ phát triển theo mô hình KCN - Đô thị - Dịch vụ... để phát triển công nghiệp cơ khí, lắp ráp sản xuất ô tô, công nghiệp công nghệ cao làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa, đô thị hóa.

van-1_1744080061281.jpg
Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG (KCN Khánh Cư, huyện Yên Khánh)

Hiện, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình đang tập trung cao cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu các KCN thế hệ mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường để thu hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai kinh doanh. Có thể thấy, trong từng giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình đã luôn có sự đổi mới để hoàn thành “sứ mệnh” của KCN, phù hợp với định hướng phát triển KCN của Quốc gia và quốc tế.

Đến thời điểm này, hạ tầng các KCN của Ninh Bình đang phát triển mạnh mẽ, cơ bản đầu tư đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp, đưa Ninh Bình trở thành miền đất hứa của các nhà đầu tư chiến lược. Có thể thấy, trong từng giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình đã luôn có sự đổi mới để hoàn thành “sứ mệnh” của KCN, phù hợp với định hướng phát triển KCN của Quốc gia và quốc tế./.

M.Q