Hải Đường khởi sắc nhờ nông thôn mới

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:05, 19/05/2016

(BKTO) - Về xã HảiĐường (huyện Hải Hậu, tỉnh NamĐịnh) những ngày này, đi trên những con đường bê tông sạch đẹp giữa bạt ngạtxanh mướt của những đồng lúa đang trổ đòng, ta có thể cảm nhận rõ được sự thayda đổi thịt của vùng quê này. Từ một xã thuần nông nghèo, nhờ có lộ trình xâydựng nông thôn mới (NTM) sát, đúng, trúng và hiệu quả, Hải Đường hôm nay đã cómột diện mạo hoàn toàn mới.



Tại xã Hải Đường, may mặc đã mở ra hướng đi công nghiệp, tạo bước đột phá quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM.Ảnh: HÒA LONG
Thay đổi diện mạo nông thôn

Năm 2009, Hải Đường được T.Ư chọn là 1 trong 11 xã trên cả nước thí điểm xây dựng NTM. Được sự quan tâm chỉ đạo của T.Ư, xã Hải Đường đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình thí điểm NTM, hoàn thành các quy hoạch phát triển sản xuất - cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Năm 2014 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí NTM được UBND tỉnh Nam Định ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2014.

Chỉ trong 6 năm xây dựng NTM, xã Hải Đường đã huy động hàng ngàn ngày công do nhân dân tự giác tham gia, số kinh phí đầu tư ước tính trên 115 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng NTM do nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ trên 23 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 3,7 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 500 triệu đồng, vốn tín dụng trên 22, 6 tỷ đồng, vốn huy động tư, doanh nghiệp trên 32 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp của cộng đồng dân cư trên 16,5 tỷ đồng, con em quê hương trong và ngoài địa phương ủng hộ gần 2,8 tỷ đồng. Nhờ đó, gần 10 km đường giao thông xã, liên xã đã được nhựa hóa, trên 6,5 km đường trục xóm được bê tông hóa đạt chuẩn, làm mới và mở rộng, nâng cấp trên 67 km đường ngõ xóm, cứng hóa gần 6 km đường nội đồng.

Ngành giáo dục xã Hải Đường có 5 trường đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế xã được xây dựng mới đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt gần 71%. Toàn bộ 26 xóm có Nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Hệ thống chợ, bưu điện văn hóa xã đáp ứng tiêu chí đề ra. 100% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh.

Ngoài ra, các cơ sở may công nghiệp đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho trên 700 lao động. May mặc đã mở ra hướng đi công nghiệp, tạo bước đột phá quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM ở đây. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xưởng May, chị Đỗ Thị Hoa (Cán bộ phụ trách NTM xã Hải Đường) cho biết, việc đưa nhà máy may về xã đã trở thành một bước đột phá, giúp cho Hải Đường giải một bài toán thuộc loại khó khăn nhất trong quá trình xây dựng NTM, đó là việc chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhà máy bắt đầu hoạt động từ năm 2010, có quy mô từ 400 đến 500 lao động, mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Lần đầu tiên có công nghiệp trong làng, chẳng những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, nâng cao mặt bằng thu nhập của xã.

Hướng đi đúng đắn trong xây dựng NTM

Triển khai xây dựng NTM, cùng với việc dồn điền đổi thửa, Hải Đường quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả. Từ năm 2007, người dân trong xã đã đưa cây thanh long vào trồng thử nghiệm. Ông Trần Văn Hà (xóm 9) phấn khởi cho biết: Trồng thanh long vừa đỡ vất vả lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với một số loại cây ăn quả khác. Cuối năm 2011, biết thông tin một số hộ nông dân ở trong tỉnh trồng thanh long có hiệu quả, ông Hà đã tự tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Nhận thấy, thanh long có vẻ hợp với đất quê mình, lại dễ trồng, quả thanh long có ưu điểm nổi bật là thơm, ngọt đậm, đẹp mắt, được thị trường ưa dùng. Vì vậy, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 10 triệu đồng làm trụ bê tông trồng 120 trụ thanh long. Đến nay, mỗi tháng 1 trụ thanh long cho thu từ 2,5 đến 3kg quả. Với giá bán hiện nay khoảng 25 đến 30 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Hiện nay, quả thanh long ở Hải Đường không chỉ tiêu thụ ở các chợ trong huyện mà còn được bán với số lượng lớn ở địa bàn các tỉnh, thành khác ở phía Bắc. Hiện cây thanh long được xác định là cây chủ lực và đang được nhân rộng ra toàn xã.

Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng NTM, ông Trần Thanh Huyên - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đường chia sẻ: trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể xây dựng NTM là nông dân và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân đóng góp và nhân dân hưởng lợi - Nhà nước hỗ trợ”. Chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng để xây dựng giao thông, thuỷ lợi...

Đồng thời, kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp giữa bổ sung nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện của địa phương theo phương châm: làm từ đồng ruộng về làng, làm tự hộ gia đình ra thôn xóm, làm từ thôn xóm lên xã; xã chủ trì xây dựng các công trình chính của xã, các xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của xóm.

Về phương hướng trong những năm tới, ông Huyên cho biết, xã Hải Đường sẽ tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Bên cạnh đó, đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các làng nghề, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, đẩy mạnh đào tạo nghề trong nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục phấn đấu giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM một cách bền vững.

HÒA LONG