Phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế trong phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:15, 27/02/2019

(BKTO) - Ngày 26/02, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Tọa đàm “Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm”.


                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Tuấn Anh

   
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các chuyên gia, các nhà khoa học về tình hình kinh tế đất nước, về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và là căn cứ để xây dựng các luận cứ khoa học, góp phần chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
                
   

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.
   Ảnh: Tuấn Anh

   
Sau hơn 30 năm chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực; là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có thành tích vượt trội trong công tác giảm nghèo; nền kinh tế có độ mở cửa kinh tế cao với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương; là nơi thu hút đầu tư FDI hàng đầu trong khu vực; đời sống của đại bộ phận người dân có cải thiện…

Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới; khoảng cách phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ngày càng xa; nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế ngày càng rõ nét; những thách thức về tăng trưởng và rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn rất lớn.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu rõ: “Mặc dù năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08% - cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua, đồng thời chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện; tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, doanh nghiêp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản phát triển, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước vẫn còn những tồn tại, hiệu quả còn chưa tương xứng với nguồn lực và ưu đãi của Nhà nước”.
                
   

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại Tọa đàm.
   Ảnh:Tuấn Anh

   
Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng nhấn mạnh, hơn 30 năm qua, Việt Nam đã đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế. Nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế kinh tế thị trường mà cụ thể là luật pháp chưa có sự công bằng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng, dù đã cải cách rất nhiều. Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào sự vận hành của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh việc kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, các doanh nghiệp phải nhận biết thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng khoa học và công nghệ sang Cách mạng tri thức, trí tuệ nhân tạo. Sự thay đổi nhanh chóng và không tưởng này đã khiến cho các quốc gia không phải cạnh tranh giành giật khoáng sản, tài nguyên nữa mà là cạnh tranh giành giật trí tuệ.
                
   

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Tọa đàm.
   Ảnh: Tuấn Anh

   
“Nhân tài Việt đi ra nước ngoài nhiều hơn, đây là tổn thất. Nếu chúng ta không nhận thức sớm, bảo vệ và phát huy các tài nguyên trí tuệ thì chính doanh nghiệp chúng ta sẽ tụt hậu. Trong bối cảnh đó, các tập đoàn kinh tế lớn cần chủ động tập trung đầu tư cho con người, cho công nghệ, văn hóa phi vật thể nhiều hơn” - nguyên Phó Chủ tịch nước nêu cảnh báo và khuyến nghị.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia, học giả và các đại biểu đã có những tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi thẳng thắn, đầy tâm huyết, cùng những kiến nghị mạnh mẽ để phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn trong phát triển kinh tế đất nước; khẳng định vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững, sáng tạo, bao trùm… Cùng với đó là những ý kiến chia sẻ về quan điểm, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong hơn 30 năm đổi mới; tham luận của các tập đoàn kinh tế về quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển trong bối cảnh kinh tế mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm.

H. THOAN