Hà Nam phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%

Xã hội - Ngày đăng : 09:15, 28/04/2025

(BKTO) - Tỉnh Hà Nam sẽ tập trung triển khai thực hiện 5 dự án thành phần trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.
20250425114745-10126.jpg
Hà Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc thù. Ảnh: TS

Áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc thù

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đã dành trên 500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giảm nghèo. Với nguồn kinh phí này, Hà Nam đặt mục tiêu giảm trung bình 0,53% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trong giai đoạn từ 2021-2025 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Theo thống kê, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Hà Nam có 4.321 hộ nghèo, chiếm 1,51% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 0,6% so với năm 2023); có 5.120 hộ cận nghèo, chiếm 1,79% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 0,42% so với năm 2023). Các hộ nghèo và cận nghèo chủ yếu là trường hợp ốm đau, bệnh nặng; không có khả năng lao động.

Hà Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc thù như: Hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo 30% mức đóng bảo hiểm y tế (ngoài 70% phần ngân sách Trung ương hỗ trợ); hỗ trợ thành viên trong hộ nghèo 300.000 đồng/nhân khẩu nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, tỉnh thực hiện hỗ trợ 500.000 đồng/nhân khẩu thuộc hộ nghèo và 300.000 đồng/nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo; Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh thực hiện hỗ trợ mỗi hộ nghèo 500.000 đồng/hộ và 10kg gạo để ăn Tết; hỗ trợ người trong hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong hộ là người có công với cách mạng đang hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi hằng tháng trừ những người có mức thu nhập hằng tháng cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ.

Tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo

Theo Kế hoạch số 422/KH-UBND của UBND tỉnh Hà Nam về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa các nhóm dân cư.

Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dưới 1% (từ 1,51% cuối năm 2024 xuống còn dưới 1% cuối năm 2025). Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung triển khai thực hiện 5 dự án thành phần trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gồm: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách, mục tiêu về giảm nghèo đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, vận động Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của chương trình giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm tính công khai, minh bạch và tính trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân đối với thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với hộ nghèo, người nghèo được thụ hưởng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, bao gồm: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo; hỗ trợ giáo dục và đào tạo; hỗ trợ y tế; hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp lý và các hình thức trợ cấp xã hội khác…

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trưởng các thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các cộng tác viên giảm nghèo. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo ở cơ sở. Tăng cường lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo, đảm bảo các hộ nông dân nghèo đều được hỗ trợ, tạo điều kiện trong các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Ngày 10/02/2025, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 03-KH/BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo đó, Hà Nam phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát.

Đối tượng được hỗ trợ nhà ở bao gồm: Các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát; các hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 của Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.

Các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo các điều kiện: Gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, hộ cận nghèo có trong danh sách do UBND cấp xã quản lý hàng năm chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc theo quy định tại Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày 20/01/2025 của Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát; chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác (trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ khác thì phải là nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng); có đất ở hợp pháp được pháp luật hoặc chính quyền địa phương công nhận theo quy định của pháp luật.

THÙY LÊ