Xóa nhà tạm, tạo sinh kế cho người nghèo
Địa phương - Ngày đăng : 09:19, 28/04/2025

Tạo chốn an cư cho người nghèo
Quế Phong là huyện nghèo, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao; nguồn ngân sách địa phương chủ yếu phụ thuộc cấp trên và nguồn huy động xã hội hóa, nguồn đối ứng còn có mặt hạn chế. Trong đó, số hộ nghèo hiện sinh sống trong các nhà tạm, nhà dột nát còn cao.
Xác định công tác giảm nghèo nói chung, xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đóng vai trò rất quan trọng nhằm giúp người dân có nơi ở ổn định, an toàn, yên tâm lao động, sản xuất, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực để thực hiện tốt công tác này.
Theo lãnh đạo UBND huyện, chính sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa cải tạo lại nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Năm 2025, huyện sẽ tập trung triển khai tốt Dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng việc xây mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở hiện có đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, “ba cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Theo đó, tổng kinh phí được giao phân bổ trong năm 2024 là 17.036 triệu đồng. Trong đó, vốn năm 2023 chuyển sang 40 triệu đồng, vốn sự nghiệp 16.380 triệu đồng, vốn đối ứng từ Ngân sách tỉnh 616 triệu đồng. Kế hoạch năm 2024 hỗ trợ 211 nhà xây mới và 377 nhà sửa chữa.
Huyện đã thực hiện hỗ trợ 114 nhà xây mới và 105 nhà sửa chữa thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, các xã đã giải ngân được 6.678 triệu đồng đạt 55,74%, ước thực hiện đến 31/12/2024 đạt tỷ lệ giải ngân 100% với kinh phí đã phân khai về cho các xã.
Qua triển khai chỉ đạo rà soát kết quả bước đầu của các xã, thị trấn, hiện nay toàn huyện trong năm 2024 giảm được 4,09% hộ nghèo (toàn huyện hiện còn 30,75% hộ nghèo); hộ cận nghèo còn 34,05% (tăng 2,39% so năm 2023).

“Đây là nguồn động viên rất lớn giúp gia đình nghèo, cận nghèo có thêm nghị lực tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của địa phương” - lãnh đạo huyện cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, quá trình vận động các hộ nhận kinh phí, thực hiện xây dựng nhà ở năm 2024 gặp nhiều khó khăn như: nhiều hộ không đăng ký, lý do theo quan niệm dân gian kiêng kỵ tuổi làm nhà; một số hộ đăng ký nhưng lại không làm và viết đơn xin trả kinh phí, một số trường hợp đi làm ăn xa; một số hộ thì muốn làm nhưng người nhà ốm đau, bệnh tật, gia cảnh quá khó khăn, thiếu sức lao động, một số hộ ly hôn, chưa có đất làm nhà ..
Tạo kế sinh nhai bền vững
Cùng với việc tạo chốn an cư cho hộ nghèo, việc đảm bảo giúp mỗi người dân có sinh kế, có việc làm ổn định, mang lại thu nhập chính là giải pháp hiệu quả, bền vững để góp phần vào công tác giảm nghèo chung của địa phương.
Xác định rõ vai trò của công tác này, huyện đã triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất và tạo việc làm cho người dân trong diện hỗ trợ.
Đơn cử như Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã được triển khai rộng rãi, thông qua đó đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho người nghèo.

Hay Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc triển khai Dự án này còn gặp nhiều khó khăn như: các địa phương không huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thực hiện các dự án theo chuỗi giá trị; không thành lập được tổ, nhóm cộng đồng đảm bảo các điều kiện thực hiện các dự án theo phương thức hỗ trợ cộng đồng; mặt khác, các những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là những người không có khả năng lao động dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng tham gia, nội dung hỗ trợ các dự án.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2025, huyện sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình năm 2025 là 63.197,16 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư phát triển: 37.078 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 26.119,16 triệu đồng.
Trong đó, với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện sẽ tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hiền, huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển. Thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình, khuyến khích các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn
Đồng thời “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình” - ông Hiền cho biết./.
Mục tiêu đặt ra năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4 - 5%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 3%. Hoàn thiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện.