Bảo đảm nguồn thu bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 10:59, 28/04/2025

Chủ động trước biến động, giữ vững nhịp thu ngân sách
Theo đánh giá của Cục Thuế, năm 2025 và các năm tới tiếp tục là giai đoạn khó dự báo khi các yếu tố địa chính trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, biến động giá cả hàng hóa và chính sách thuế quan của các nền kinh tế lớn vẫn có khả năng tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam. Trước thực tế đó, ngành thuế xác định nhiệm vụ ưu tiên là theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, kịp thời đánh giá tác động đến tiến độ thu và đề xuất các giải pháp phù hợp trong điều hành ngân sách.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành, đây là giai đoạn bản lề quan trọng để tạo nền tảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, phân tích kỹ lưỡng diễn biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố tác động đến thu ngân sách để có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt.
Với tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động, cơ quan thuế các cấp đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển bền vững và hiện thực hóa các mục tiêu cải cách ngành thuế trong tiến trình phát triển nền tài chính quốc gia hiện đại.
Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành
Theo đó, Cục Thuế chỉ đạo rà soát, phân loại người nộp thuế theo lĩnh vực, địa bàn, quy mô, từ đó tăng cường tổ chức thu phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đồng thời, tập trung vào các hoạt động chống thất thu, nhất là đối với hoạt động chuyển giá và các nhóm ngành nghề có rủi ro cao. Song song đó, các chương trình hỗ trợ tuân thủ tự nguyện, hoàn thuế nhanh và khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử tiếp tục được đẩy mạnh.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách của ngành thuế đạt 668.313 tỷ đồng, bằng 38,9% dự toán, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 13/19 khoản thu đạt trên 30% dự toán, 40/63 địa phương có số thu đạt khá. Đây là tín hiệu tích cực nhưng vẫn đặt ra áp lực lớn trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng thu bền vững cho các quý tiếp theo.
Cải cách thủ tục, đồng hành với người nộp thuế
Song hành với việc nắm bắt "mạch đập" của nền kinh tế, ngành thuế đang thực hiện những cải cách mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý. Một trong những mục tiêu trọng tâm là cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính vào năm 2026.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Thuế - cho biết: Trong bối cảnh cải cách hành chính là yêu cầu cấp thiết, ngành thuế xác định việc chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ là trọng tâm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Từ năm 2020 đến nay, ngành thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 16 quyết định, công bố mới 53 TTHC, sửa đổi bổ sung 220 TTHC và bãi bỏ 133 TTHC. Kết quả là số lượng TTHC ngành thuế được tinh gọn từ 304 còn 219, trong đó, 134 thủ tục đã đạt mức dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 61,2%), 48% được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Không dừng lại ở đó, ngành thuế đang tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thêm 127 TTHC, trong đó có 97 thủ tục sẽ được bãi bỏ, 30 thủ tục được rút gọn. Những nội dung trùng lặp, không cần thiết sẽ được loại bỏ, đồng thời ưu tiên tích hợp và tái sử dụng thông tin đã số hóa từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và ngành dọc như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội...
Bên cạnh cải cách quy trình, ngành thuế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Hiện nay, 100% thủ tục đủ điều kiện đã được đưa lên mức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngành cũng đang từng bước tự động hóa quy trình xử lý hồ sơ, trả kết quả qua hệ thống phần mềm quản lý hiện đại.
Ghi nhận nỗ lực từ phía cơ quan thuế, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức trung gian cũng đánh giá cao những thay đổi mạnh mẽ của ngành thuế trong cải cách TTHC và ứng dụng công nghệ. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ: Ngành thuế đang là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận một số chỉ tiêu nghiệp vụ. Ngành thuế cần tiếp tục có những bước tiến sâu hơn, hỗ trợ tốt hơn cho khối doanh nghiệp này.
Ngành thuế cũng đang tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức tuyên truyền chính sách thuế, tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí, tổ chức hội thảo, tọa đàm, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành của người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu của ngành thuế là phấn đấu giai đoạn 2025-2026 cắt giảm 50% thời gian giải quyết TTHC và chi phí tuân thủ; 100% chế độ báo cáo doanh nghiệp được điện tử hóa và 100% TTHC đủ điều kiện sẽ thực hiện trực tuyến toàn trình.
Bối cảnh kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng là động lực thúc đẩy ngành thuế thay đổi mạnh mẽ. Bằng việc chủ động bám sát diễn biến vĩ mô, hiện đại hóa quy trình và cải cách thủ tục hành chính theo hướng “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, ngành thuế đang từng bước kiến tạo một hệ thống quản lý thuế hiệu quả, minh bạch, góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định và bền vững trong dài hạn./.