Ký ức tàu “không số” và huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Xã hội - Ngày đăng : 13:53, 28/04/2025

(BKTO) - Ở vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, ký ức về năm tháng chiến trường với ông vẫn vẹn nguyên. Trong không khí cả nước đang hân hoan chào đón Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những hồi ức năm xưa bỗng sống dậy, hào hùng khi ông kể với chúng tôi về những chuyến tàu “không số” trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại…
31a.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Phú Yên (01/4/1975 - 01/4/2025). Ảnh ST

Chuyển vũ khí, đón giao thừa trong lòng địch

Hơn 60 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, những chuyến tàu “không số” - tên gọi được đặt cho những con tàu chuyên chở vũ khí, lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam đã vượt qua bao “mưa bom, bão đạn” âm thầm hoạt động trong lòng địch. Trong số biết bao con người làm nên lịch sử năm ấy có người lính Hồ Đắc Thạnh - người trực tiếp tham gia hành trình “mở đường trên sóng”, làm nên sự huyền thoại của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với nhiều phen “vào sinh, ra tử”, người thiếu niên Hồ Đắc Thạnh trưởng thành từ trong bom đạn. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, người lính Hồ Đắc Thạnh tập kết ra Bắc. Sau đó, ông được đào tạo sĩ quan rồi được giao nhiệm vụ làm thuyền phó, thuyền trưởng tàu “không số” (thuộc Đoàn 125), vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Đây cũng là những năm tháng để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất trong cuộc đời binh nghiệp, khi ông vẫn nhớ rõ như in từng chuyến hàng đã vượt qua mưa bom, bão đạn để đến với Vũng Rô (tỉnh Phú Yên).

Tháng 5/1964, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng giao nhiệm vụ tìm địa điểm tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc vào miền Nam bằng đường biển. Qua đánh giá các yếu tố, bến Vũng Rô được lựa chọn để đón tàu vào, vì nơi đây có đầy đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có cảng nước sâu, thuận lợi cho tàu trọng tải lớn. Tuy nhiên, cuối năm đó, Phú Yên bị địch phong tỏa, lệnh cấm tất cả mọi phương tiện ra vào bến, trong đó có Vũng Rô. Nhiệm vụ vận chuyển hàng vào Vũng Rô vì thế được ví như đến với “cửa tử”… Trong hoàn cảnh đó, những chiến sĩ tàu “không số” đã dũng cảm, mưu trí để đưa thành công nhiều chuyến hàng vào bến an toàn. Chuyến đi ấn tượng nhất với thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh khi đó là chuyến chuyển hàng lần thứ 3, vào đúng giao thừa Tết Ất Tỵ (năm 1965) do ông và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy đưa vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Khu V và Tây Nguyên.

Ông kể: Tối hôm đó, tàu vừa vào vịnh Vũng Rô thì pháo nổ trắng trời, mọi người cứ ngỡ bị lộ. Nhưng khi nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua radio, mọi người mới nhận ra giao thừa đã điểm. Trong không khí thiêng liêng ấy, các chiến sĩ, ai nấy đều dâng trào cảm xúc. “Ít ai dám tin rằng, thực hiện nhiệm vụ tưởng như bất khả thi, hoạt động trong lòng địch, nhưng hành trình vẫn suôn sẻ và hơn thế, các chiến sĩ vẫn được lệnh đón giao thừa ngay trên tàu” - người lính già nhớ lại; đồng thời tự hào vì những chuyến tàu “không số” nhưng đã tạo nên dấu ấn không thể nào quên.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh, quê Phú Yên nguyên là thuyền trưởng, từng 12 lần chỉ huy tàu “không số” vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 2011, ông được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tàu “không số” do ông làm thuyền trưởng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia (năm 2017).

Vĩ thanh…

Từ tháng 11/1964 đến 02/1965, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, có 3 chuyến tàu cập bến Vũng Rô thành công, vận chuyển khoảng 200 tấn vũ khí, hàng hóa phục vụ kháng chiến. Sự chi viện kịp thời này đã giúp quân và dân Phú Yên giành nhiều thắng lợi quan trọng như Chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến thắng lịch sử Đường 5, cùng bộ đội chủ lực giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 01/4/1975… Những chiến thắng này đã tạo điều kiện chín muồi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, thống nhất non sông…

31b.jpg
Trung tá Hồ Đắc Thạnh chụp ảnh cùng tác giả. Ảnh: NGUYỄN NAM

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa, nay người còn, người mất. Người lính Hồ Đắc Thạnh cũng ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhưng những trang sử hào hùng của dân tộc trong ký ức người ở lại đã được lưu dấu qua trang viết. Những người lính gắn với hành trình tàu “không số” như: Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một, Đặng Văn Thanh, Hồ Đắc Thạnh, Phan Nhạn, Nguyễn Sơn… đều đã được Nhà nước ghi công với nhiều danh hiệu cao quý.

Với người lính Hồ Đắc Thạnh, vào đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và kỷ niệm 60 năm tàu “không số” cập bến Vũng Rô (11/1964-11/2024), ông đã kịp cho ra mắt hồi ký “Nhớ và ghi lại”. Tập hồi ký ghi lại hành trình vận chuyển vũ khí trên đường Hồ Chí Minh trên biển; ký ức về những năm tháng gian khổ mà hào hùng... “Hình ảnh con tàu, tình đồng đội, tình quân dân cứ ùa về. Mình muốn cầm bút ghi lại thật nhanh để lưu lại cho kịp” - Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ lại mạch nguồn cảm xúc thôi thúc ông viết nên những dòng lịch sử.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, những bài viết trong tuyển tập giúp chúng ta hình dung được tinh thần anh dũng của cán bộ, chiến sĩ góp phần hình thành con đường Hồ Chí Minh trên biển. “Đây không chỉ là những trang văn mà còn là tư liệu quý lưu lại, truyền tải những bài học lịch sử có giá trị lan tỏa đến thế hệ trẻ hôm nay” - nhà văn chia sẻ.

Trong không khí hân hoan chào mừng ngày hội thống nhất non sông, người lính Hồ Đắc Thạnh bảo, ông cùng đồng đội đã nhiều lần trở lại Vũng Rô. Chứng kiến mảnh đất cách mạng nơi đây đang “thay da, đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng ấm no, thế hệ những người lính trận mạc, những nhân chứng sống của Vũng Rô năm xưa rất đỗi vui mừng. Ông tin rằng, trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn hiện nay, mảnh đất Phú Yên - với truyền thống cách mạng anh hùng sẽ có thêm dư địa để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, ông mong rằng những địa danh cách mạng, những cảng biển nước sâu như Vũng Rô sẽ được đánh thức tiềm năng để đưa địa phương phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ và cả nước./.

CÔNG LUẬT - NGUYỄN LỘC (ghi chép)