Xây dựng nông thôn mới cần chủ động thích ứng với bối cảnh mới

Xã hội - Ngày đăng : 13:55, 28/04/2025

(BKTO) - Chính quyền các địa phương của tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trong năm 2025 cũng như giai đoạn 2026-2030 cần triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, thích ứng hiệu quả với bối cảnh mới...
0.jpeg
Chương trình xây dựng NTM đã tạo chuyển biến căn bản về diện mạo nông thôn. Ảnh: TS

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) tỉnh Quảng Ngãi, Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã tạo chuyển biến căn bản về diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.

Quảng Ngãi có 2 huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020; 93/144 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 64,58%); 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 và 95 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Năm 2025, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM của Quảng Ngãi là 650 tỷ đồng. Trong quý I, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM để đạt mục tiêu xây dựng NTM của giai đoạn 2021-2025 đề ra, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, bền vững, ưu tiên các vùng, khu vực khó khăn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

1(1).jpg
Nhiều tuyến đường nông thôn ở huyện Mộ Đức được tạo khung cảnh rực rỡ, đầy sức sống. Ảnh: TS

Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030 hướng tới mục tiêu toàn diện, bền vững, gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh; bảo đảm thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của người dân. Do đó, chính quyền các địa phương cho rằng việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong năm 2025 cũng như giai đoạn 2026-2030 cần triển khai đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, thích ứng hiệu quả với bối cảnh mới.

Theo lãnh đạo huyện Bình Sơn, sắp tới quy mô xã lớn hơn nên việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM cũng cần được rà soát, tính toán kỹ lưỡng, trong đó có việc xem xét lại yêu cầu đánh giá tiêu chí theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, những thách thức từ biến đổi khí hậu yêu cầu các địa phương phải xây dựng và thực hiện giải pháp thích ứng linh hoạt, tăng khả năng chống chịu cho khu vực nông thôn, nhất là vùng miền núi, ven biển và hải đảo. Do đó, các tiêu chí công nhận xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu cần bám sát vấn đề này, tạo nền tảng vững chắc để nông thôn, miền núi phát triển bền vững.

2(1).jpg
Người dân xã Long Hiệp (Minh Long) sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung. Ảnh: TS

Còn lãnh đạo huyện Minh Long cho rằng, chương trình xây dựng NTM trong bối cảnh mới phải phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhằm cân bằng giữa các vùng miền, đặc biệt là khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó đảm bảo phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao năng suất lao động, cải thiện thu nhập người dân./.

LÊ HÒA